Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Filter by Categories
Đơn mẫu- Forms
Giải đáp thắc mắc - FAQ
Thông báo - Press release permanent
Tin mới - News
Close

Nóng: TNS yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ can thiệp cho công dân bị chiếm đoạt tài sản ở Việt Nam

  • Một bước tiến quan trọng trong Chương Trình Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản

Mạch Sống, ngày 8 tháng 2 năm 2020

http://machsongmedia.com

Hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng vừa lên tiếng kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ can thiệp cho các công dân bị nhà nước Việt Nam chiếm đoạt tài sản mà không bồi thường thỏa đáng.

“Chúng tôi khuyến khích Bộ Ngoại Giao nêu lên với chính phủ Việt Nam việc điều đình một thoả thuận bồi thường thứ hai cho những công dân Hoa Kỳ đã không được bồi thường một cách chính đáng từ thoả thuận năm 1995,” theo văn thư đề ngày 3 tháng 2 của TNS John Cornyn (Cộng Hoà, Texas) và TNS Marco Rubio (Cộng Hoà, Florida) gửi Ngoại Trưởng Mike Pompeo.

Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, thì đây là một bước tiến quan trọng trong chương trình “Công Dân Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản” do BPSOS khởi xướng cuối tháng 8 năm 2017. Tên chính thức tiếng Anh của chương trình này là Vietnam Property Restitution Project (VPRP).

“Khi nhận được văn thư của 2 Thượng Nghị Sĩ nặng ký này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ phải có câu trả lời,” Ts. Thắng nói.

Ý nghĩa đối với chính quyền Hoa Kỳ

Tháng 5 năm 2018, BPSOS đã họp với văn phòng của BNG Hoa Kỳ chuyên trách việc đòi tài sản cho công dân và cung cấp cho họ 10 hồ sơ tiêu biểu với đầy đủ giấy tờ, chứng cớ.
Tuy nhiên, văn phòng này không có thẩm quyền quyết định về chính sách can thiệp hay không. Quyền ấy thuộc về Ngoại Trưởng.

“Đó là lý do chúng tôi vận động 2 vị Thượng Nghị Sĩ này gửi văn thư chung đến Ngoại Trưởng Pompeo”, Ts. Thắng giải thích.

TNS Rubio là người có thẩm quyền hàng đầu ở Quốc Hội về chính sách đòi bồi thường tài sản cho công dân Mỹ; Ông đã can thiệp thành công cho nhiều hồ sơ người Mỹ gốc Cuba, gốc Guatemala, v.v. TNS John Cornyn là vị thượng nghị sĩ quyền lực đứng thứ hai ở Thượng Viện Hoa Kỳ.

Ý nghĩa đối với người Việt

Theo Ts. Thắng, khi BPSOS phát động chương trình đòi tài sản, có người hoài nghi rằng làm sao được. Có những khổ chủ về Việt Nam làm đơn xin lại tài sản hoặc đóng tiền chạy chọt nhưng không đến đâu. Họ kết luận rằng có làm cũng vô ích.

“Vô ích là phải vì không khác nào nạn nhân tự đặt mình dưới quyền phán xét của kẻ cướp,” Ts. Thắng nói. “Cách làm của chúng tôi là dùng luật pháp Hoa Kỳ; chúng tôi tuyệt nhiên không dính dấp gì đến nhà nước Việt Nam”.

Bức thư của 2 vị Thượng Nghị Sĩ kể trên chỉ ra rằng Hoa Kỳ có chính sách can thiệp cho công dân bị chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ luật Hoa Kỳ

Năm 1949 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật bảo vệ tài sản của công dân khi bị một quốc gia khác tịch thu mà không bồi thường một cách hiệu quả, nhanh chóng và công bằng. Để chấp pháp, Bộ Tư Pháp đã lập ra Uỷ Hội FCSC (viết tắt của “Foreign Claims Settlement Commission).

Đến nay Uỷ Hội FCSC đã giải quyết trên 660,000 hồ sơ đòi bồi thường của công dân Hoa Kỳ, và quyết định là 43 quốc gia liên can phải trả tiền bồi thường lên đến nhiều chục tỉ Mỹ kim. Nhà nước Việt Nam đã từng ở trong số quốc gia này và năm 1995 đã phải bồi thường 208 triệu Mỹ kim cho 192 công dân Hoa Kỳ.

Việc gì sẽ diễn ra?

“Ngay trước mắt, chúng tôi sẽ yêu cầu BNG nghiên cứu và giải quyết 10 hồ sơ mà họ đang nắm,” Ts. Thắng nói. Đây là các hồ sơ tiêu biểu đã được 2 hãng luật sư hợp đồng với BPSOS lọc lựa và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Việc giải quyết các hồ sơ này sẽ chỉ là tiền lệ làm đòn bẩy cho cuộc vận động Quốc Hội Hoa Kỳ trong tương lai.

BNG Hoa Kỳ có thẩm quyền và trách nhiệm can thiệp trực tiếp cho các công dân bị chiếm đoạt tài sản bởi một chính phủ ngoại bang. Tuy nhiên, họ chỉ có khả năng can thiệp số lượng nhỏ hồ sơ. Trong khi đó số hồ sơ của người Mỹ gốc Việt có thể lên đến vài chục nghìn, hoặc nhiều hơn.

Muốn giải quyết số lớn hồ sơ, Quốc Hội phải ra luật để lập ra chương trình đòi tài sản Việt Nam (Vietnam Claims Program) lần 2 và cấp ngân sách cho Uỷ Hội FCSC tuyển dụng nhân viên chuyên trách.

Những trường hợp nào hội đủ điều kiện?

Luật International Settlement Claims Act (ICSA), ban hành năm 1949, giao cho Hành Pháp nghĩa vụ bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ khi bị chiếm đoạt bởi ngoại bang. Như thế, luật này chỉ áp dụng cho những người đã có quốc tịch Hoa Kỳ khi tài sản bị chiếm đoạt. Nhiều người Việt thắc mắc là, khi nhà cửa, đất đai và những tài sản khác bị chiếm đoạt thì họ đâu đã là công dân Hoa Kỳ? Họ ngộ nhận giữa “quản lý” và “quốc hữu hoá”.

Trong phần lớn trường hợp, khi một gia đình đi kinh tế mới, đi vượt biên, rời Việt Nam theo chương trình ODP… sau năm 1975 hoặc thậm chí di cư vào Nam năm 1954, bất động sản của họ mới chỉ bị nhà nước quản lý. Ngay cả một số người phải ký giấy giao nhà thì đó cũng chỉ là giao nhà cho nhà nước quản lý. Quản lý nghĩa là trông nom hộ chứ không có nghĩa là nắm quyền sở hữu.

Trong thập niên 1990, chính phủ Việt Nam có ra một số quyết định về quốc hữu hoá các nhà, đất và cơ xưởng tư nhân mà họ đang quản lý nhưng không được thực thi đồng nhất, tạo nên tình trạng nhiễu nhương, hỗn tạp. Để giải quyết, năm 2003 Quốc Hội Việt Nam ra nghị quyết quốc hữu hoá tất cả các tài sản đang bị quản lý bởi nhà nước. Lúc ấy tuyệt đại đa số người Việt ở Hoa Kỳ đã là công dân Mỹ và tài sản của họ, ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, được luật ICSA năm 1949 bảo vệ.

Những nạn nhân mới

Ngoài Nghị Quyết năm 2003, nhà nước Việt Nam còn chiếm đoạt tài sản của công dân Mỹ gốc Việt bằng Luật Đất 13/2003/QH11.

Chẳng hạn, năm 2010, khi chính quyền Thành Phố Đà Nẵng xua công an và dân phòng đến cướp đất của người dân ở Giáo Xứ Cồn Dầu; họ không ngờ rằng nhiều gia đình có sổ đỏ trên bất động sản thực ra chỉ là được sở hữu chủ đã định cư Hoa Kỳ cho ở nhờ.

Chẳng hạn, năm 2012, khi chính quyền Tỉnh Phú Yên đánh chiếm khu du lịch sinh thái Bia Sơn của nhóm Phật Giáo Ân Đàn Đại Đạo, họ đã tịch thu tài sản có vốn đầu tư của 4 công dân Hoa Kỳ, lên đến ¼ triệu Mỹ kim, dù không hề có cáo buộc hình sự nào đối với những người này.

Liên quan thế nào đến thoả thuận bồi thường năm 1995?

Khi Việt Nam đồng ý trả 208 triệu Mỹ kim tiền bồi thường cho 192 công dân Mỹ năm 1995 thì 2 bên ký thoả thuận là Hoa Kỳ sẽ “xoá nợ” cho Việt Nam, nghĩa là không bắt Việt Nam bồi thường cho thêm các trường hợp khác đã xảy ra trước ngày đặt bút ký.

Có người diễn giải sai rằng Hoa Kỳ sẽ vĩnh viễn không bao giờ can thiệp cho công dân bị nhà nước Việt Nam chiếm đoạt tài sản. Làm vậy là Hành Pháp Hoa Kỳ vi phạm luật ICSA năm 1949.

Như đã giải thích, phần lớn tài sản của người Mỹ gốc Việt bị tịch thu sau thời điểm 1995. Đó là lý do 2 TNS Cornyn và Rubio kêu gọi cho một chương trình đòi bồi thường đợt 2.

Khía cạnh nhân quyền

Chương trình VPRP không chỉ giúp các công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản mà còn có tác dụng “bom tấn” về quyền sở hữu đất đai ở Việt Nam.

Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và được bảo vệ thông qua các hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia thành viên của Liêp Hợp Quốc.

Khi người Mỹ gốc Việt đòi nợ, dù hành động thuần tuý vì lợi ích riêng, họ đang khẳng định quyền này từ vị thế một công dân Hoa Kỳ. Hành động của họ có tác dụng chứng minh rằng chính sách “sở hữu toàn dân” của Việt Nam đi ngược lại các nguyên tắc giao dịch quốc tế.

Khi phải tôn trọng quyền của người Việt có quốc tịch Mỹ thì sẽ khó ăn khó nói cho nhà nước nếu không tôn trọng cũng quyền ấy của chính công dân – nghĩa là người Việt có quốc tịch Việt.

Những bước kế tiếp

Theo Ts. Thắng, sự lên tiếng của TNS Cornyn và TNS Rubio là bàn đạp quan trọng để BPSOS đẩy mạnh và xa hơn nữa Chương Trình VPRP, qua 3 nỗ lực tiến hành song song:

(1) Vận động các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ khác lên tiếng với Ngoại Trưởng Pompeo: Văn thư của 2 TNS Cornyn và Rubio mở đường cho các TNS khác lên tiếng theo để bảo vệ cho quyền lợi của cử tri người Mỹ gốc Việt. BPSOS sẽ tuần tự phối hợp những người đã nộp hồ sơ để vận động các vị TNS theo từng tiểu bang một.

(2) Vận động Luật Nhân Quyền Việt Nam, HR 1383: Dự thảo luật này có hẳn một điều khoản kêu gọi Hành Pháp can thiệp cho công dân bị chiếm đoạt tài sản ở Việt Nam. Tuy điều khoản này chỉ mang tính khuyến cáo chứ không phải luật bắt buộc chấp hành, HR 1383 sẽ mở đường cho Quốc Hội thông qua luật đưa Việt Nam vào chương trình đòi tài sản của Uỷ Hội FCSC.

(3) Đẩy mạnh truyền thông: Hiện nay khoảng 750 hồ sơ đã ghi danh với Chương Trình VPRP. Tuy con số này vượt xa số hồ sơ được Uỷ Hội FCSC đòi Việt Nam bồi thường tài sản trước đây, BPSOS ước lượng số trường hợp người Mỹ gốc Việt bị ảnh hưởng có thể là 50,000 – 100,000, vượt xa tất cả các nhóm dân khác trong lịch sử can thiệp của Uỷ Hội FCSC. Tuy nhiên, hãy còn rất ít người trong hoàn cảnh này biết về Chương Trình VPRP của BPSOS.

Nguồn thông tin

Những ai muốn tìm hiểu thêm thông tin về Chương Trình VPRP, luật ICSA năm 1949 của Hoa Kỳ, hoặc các chỉ dẫn để ghi danh, xin vào trang https://doitaisan.org.

Các câu hỏi chung phần lớn được giải đáp trong phần Hỏi & Đáp ở trang mạng kể trên. Những ai có câu hỏi riêng, xin liên lạc: taisan@bpsos.org.

*****
Bản dịch tiếng Việt văn thư của TNS John Cornyn và TNS Marco Rubio gửi Ngoại Trưởng Mike Pompeo

Ngày 3 tháng 2, 2020

Ngài Mike Pompeo
Ngoại Trưởng
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
2201 C Street, N.W.
Washington, D.C. 20520

Thưa Ngoại Trưởng Pompeo:

Chúng tôi viết để bày tỏ mối quan ngại về việc Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không bồi thường thoả đáng cho các công dân Hoa Kỳ mà tài sản ở Việt Nam đã bị chiếm đoạt vô luật bởi chính phủ Việt Nam.

Như Ngài biết, nhiều người Mỹ gốc Việt nguyên thuỷ đến Hoa Kỳ sau khi bị buộc phải chạy thoát sự bách hại bất chính và bạo lực từ nhà nước Việt Nam. Những người Mỹ can trường này đã phải chứng kiến chính quyền đánh cắp và trục lợi từ tài sản riêng của họ. Năm 1995, chính quyền Việt Nam cung cấp 200 triệu Mỹ Kim để đáp ứng các đòi hỏi bồi thường tài sản của người Mỹ trước ngày 28 tháng 1, 1995, nhưng, bi thảm thay, nhiều người Mỹ gốc Việt đã không nhận được bồi thường khi đất đai của họ bị chiếm đoạt. Để chỉnh sửa sự bất công này, chúng tôi khuyến khich Bộ Ngoại Giao nêu lên với chính phủ Việt Nam việc điều đình một thoả thuận bồi thường thứ hai cho những công dân Hoa Kỳ đã không được bồi thường một cách chính đáng từ thoả thuận năm 1995. Khi Hoa Kỳ nỗ lực để làm sâu đậm thêm quan hệ song phương với nhà nước Việt Nam, chúng ta phải duy trì quyết tâm cải thiện hồ sơ nhân quyền ngày càng xuống dốc và bảo đảm công lý cho các nạn nhân của họ.

Cảm ơn sự lãnh đạo và quan tâm của Ngài cho vấn đề quan trọng này, đang ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Việt ở khắp đất nước của chúng ta.

Chân thành,

John Cornyn                     Marco Rubio
Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ      Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ