-
Đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia đối tượng của luật pháp Hoa Kỳ
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 22 tháng 5, 2018
“Chính sách của Hoa Kỳ là thông báo cho Chính Quyền Việt Nam biết rằng luật pháp liên quan của Hoa Kỳ bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ đối với việc chiếm đoạt phi pháp bởi các chính quyền ngoại quốc.” Đó là lời mở đầu của điều khoản trong dự thảo Luật Nhân Quyền Việt Nam, H.R. 5621, liên quan đến tài sản của công dân Hoa Kỳ gốc Việt đã bị chế độ ở Việt Nam chiếm đoạt.
Trong nhiều bài trước đây (xem https://doitaisan.vncrp.org), tôi phân tích chính sách của chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ đã dẫn đến việc chiếm đoạt tài sản của một số lớn người Mỹ gốc Việt. Dưới đây, tôi trình bày cách áp dụng luật pháp Hoa Kỳ để yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ can thiệp và đòi Việt Nam bồi thường.
Mở chương trình đòi Việt Nam bồi thường
Từ năm 1949, Hoa Kỳ đã có luật bảo vệ công dân khi bị một quốc gia khác chiếm đoạt tài sản: International Claims Settlement Act (Luật Giải Quyết Các Đòi Hỏi Bồi Thường Quốc Tế), gọi tắt là ICSA. Trước khi luật áp dụng, một quốc gia phải được đưa vào danh sách các quốc gia đối tượng . Đến nay đã có 43 quốc gia từng bị đưa vào danh sách này, trong đó có Việt Nam.
Năm 1980, Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định đưa Việt Nam vào danh sách này vì đã chiếm đoạt tài sản của nhiều trăm công dân Hoa Kỳ; đó là những người Mỹ sinh sống hay làm việc ở miền Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh và đã di tản về Hoa Kỳ trước ngày 30 tháng 4, 1975. Một hội đồng chuyên trách trực thuộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ cứu xét hồ sơ của các công dân Hoa Kỳ này.
Trong 12 tháng sau đó họ nhận được tổng cộng 534 hồ sơ, xét rằng 192 hồ sơ (tỉ lệ 36%) là hợp lệ và định mức bồi thường tổng cộng là 100 triệu Mỹ kim. Ngày 28 tháng 1, 1995, Việt Nam thoả thuận bồi thường 208 triệu Mỹ kim, tính cả vốn lẫn lời. Việt Nam được rút tên ra khỏi “sổ phong thần”.
Tên gọi chính thức của cuộc cứu xét và đòi nợ này là “Chương Trình Đòi Bồi Thường Việt Nam” (Vietnam Claims Program). BPSOS đang vận động chính quyền Hoa Kỳ mở Chương Trình Đòi Bồi Thường Việt Nam lần 2, nghĩa là đưa Việt Nam vào lại sổ phong thần.
Phái đoàn người Mỹ gốc Việt ở Salt Lake City, tiểu bang Utah vận động TNS Orrin Hatch về chương trình đòi bồi thường tài sản, ngày 18/05/2018 (ảnh BPSOS)
Mở Chương Trình Đòi Bồi Thường Việt Nam lần 2
Luật ICSA năm 1949 chỉ can thiệp cho các tài sản bị tịch thu khi chủ nhân đã là công dân Hoa Kỳ. Do đó, để được chính quyền Hoa Kỳ can thiệp đương đơn phải chứng minh được mình là chủ sở hữu tài sản và đã là công dân Hoa Kỳ khi tài sản bị tịch thu.
Riêng đối với người Mỹ gốc Việt thì còn thêm một điều kiện nữa. Khi Việt Nam thoả thuận bồi thường 208 triệu Mỹ kim năm 1995, Hoa Kỳ đồng ý sẽ không can thiệp “hồi tố” nếu sau này phát hiện thêm các trường hợp công dân bị chiếm đoạt tài sản xảy ra trước ngày 28 tháng 1, 1995, tức ngày ký thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về bồi thường.
Đến nay chúng tôi đã có tương đối đủ hồ sơ hội đủ cả 3 điều kiện kể trên, để dùng trong vận động chính quyền Hoa Kỳ mở Chương Trình Đòi Bồi Thường Việt Nam.
Ghi danh hồ sơ
Đến nay BPSOS đã nhận được 539 hồ sơ ghi danh, nghĩa là đã cung cấp các thông tin căn bản. Chúng tôi phân loại số hồ sơ này thành 3 nhóm chiếu theo khả năng xác lập thời điểm tài sản bị tịch thu.
Nhóm thứ nhất là các bất động sản chưa hề vắng chủ, nghĩa là chủ nhân người Mỹ gốc Việt tiếp tục sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho đến ngày tài sản bị chiếm đoạt. Vì biết rõ thời điểm tài sản bị chiếm đoạt, chúng tôi dễ dàng phối kiểm về 3 điều kiện kể trên. Ví dụ, ở Giáo Xứ Cồn Dầu, Thành Phố Đà Nẵng, chúng tôi đã truy ra được khoảng 12 trường hợp nhà đất do công dân Hoa Kỳ làm chủ nhưng họ để cho thân nhân ở Việt Nam sử dụng; năm 2010 khi chính quyền Thành Phố Đà Nẵng cưỡng chế các tài sản này, họ đã chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ chứ không phải của người đang cư ngụ. Tương tự, trong vụ Ân Đàn Đại Đạo, năm 2012 chính quyền Tỉnh Phú Yên chiếm đoạt toàn bộ khu du lịch sinh thái Bia Sơn, mà trong đó có vốn đầu tư của ít ra 4 công dân Hoa Kỳ.
Tín đồ Ân Đàn Đại Đạo tham gia phái đoàn người Mỹ gốc Việt vận động TNS Tom Udall của tiểu bang New Mexico về đòi bồi thường tài sản, ngày 8/5/2018 (ảnh BPSOS)
Nhóm thứ hai là các động sản (tiền mặt, quý kim, tư trang…) gửi ngân hàng. Trong số đó có những trường hợp ký thác ngân hàng trước ngày 30 tháng 4, 1975, và ngân hàng ấy sau đó đã bị tiếp quản bởi chế độ mới. Nhiều hơn nữa là các trường hợp bị bắt phải ký thác tài sản vào ngân hàng nhà nước sau 1975, đặc biệt trong các đợt đánh “tư sản mại bản”. Không ít những khổ chủ trong 2 trường hợp ấy nay đã là công dân Hoa Kỳ. Trên nguyên tắc các động sản này chưa bị tịch thu, nhưng khổ chủ không thể rút ra khỏi ngân hàng. Nói nôm na, nhà nước Việt Nam đang giữ tài sản của công dân Hoa Kỳ với ý định không trả lại, mà sẽ tịch thu sau này – khi điều này xảy ra thì chắc chắn sẽ là sau ngày 28 tháng 1, 1995 và sau khi khổ chủ đã là công dân Hoa Kỳ.
Nhóm thứ ba gồm các tài sản bị nhà nước tạm thời quản lý, như tài sản “vắng chủ” ở ngoài Bắc của những người di cư vào Nam năm 1954; tài sản vắng chủ ở miền Nam của những người di tản hay vượt biên; tài sản giao cho nhà nước của những người đi theo chương trình HO, HR, đoàn tụ gia đình, con lai, ROVR…; tài sản của những người bị đưa đi tù cải tạo hoặc bị đẩy đi kinh tế mới. Phần lớn các tài sản bị nhà nước quản lý này được quốc hữu hoá chiếu theo Nghị Quyết 23/2003/QH11 của Quốc Hội Việt Nam. Nghị quyết này được ban hành tháng 11 năm 2003, và đến tháng 10 năm 2005 mới bắt đầu thực thi. Lúc ấy, các người Việt ở Hoa Kỳ bị ảnh hưởng hầu như đều đã có quốc tịch Mỹ.
Tuy nhiên, có một yếu tố ảnh hưởng đến việc chẩn đoán thời điểm chính xác tài sản bị tịch thu: từ năm 1991 một số tài sản tạm thời quản lý đã bị quốc hữu hoá chiếu theo một số văn bản dưới luật; và việc thực thi chúng cũng khá tuỳ tiện. Đối với một tài sản đặc thù, phải truy tìm thêm thông tin thì mới biết đích xác thời điểm quốc hữu hoá. Tuy nhiên, thông tin này chỉ cần thiết khi bước vào giai đoạn cứu xét hồ sơ.
Giai đoạn cứu xét hồ sơ
Trước hết, chương trình đòi bồi thường phải được mở; sau đó, hội đồng chuyên trách trực thuộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ mới bắt đầu cứu xét từng hồ sơ. Lúc ấy đương đơn cần trình bày chứng cứ và lý lẽ để chứng minh hồ sơ của mình đạt đủ 3 điều kiện kể trên. Để chứng minh chủ quyền, đương đơn có thể dùng các chứng từ trực tiếp như bằng khoán nhà đất, di chúc của bố mẹ, biên nhận ký thác ngân hàng; các chứng cứ gián tiếp như giấy khai sinh, hôn thú, giấy xác nhận rửa tội có ghi địa chỉ nơi cư ngụ là tài sản của mình; hoặc giấy xác nhận của những người có uy tín và hiểu chuyện. Để chứng minh thời điểm bị tịch thu, đương đơn có thể dùng các chứng từ về tình trạng sở hữu, quyết định quốc hữu hoá, văn thư trả lời đơn đòi lại nhà, hoặc có thể suy diễn dựa trên sự hiểu biết về luật pháp và chính sách của nhà nước Việt Nam.
Hiện nay chúng tôi đang trong giai đoạn vận động để mở chương trình, nên chỉ cần một số thông tin sơ khởi để dùng trong vận động. Đến nay chúng tôi đã nhận được thông tin sơ khởi của 540 hồ sơ, vượt quá số hồ sơ nộp cho Chương Trình Đòi Bồi Thường Việt Nam năm 1980. Chúng tôi vẫn tiếp tục thu thập thêm hồ sơ càng nhiều càng tốt để thuyết phục chính quyền Hoa Kỳ là có nhiều công dân bị ảnh hưởng và cần có sự can thiệp của chính quyền Hoa Kỳ.
Để ghi danh tham gia chương trình của BPSOS để đòi bồi thường tài sản, xin liên lạc: taisan@bpsos.org hoặc 703-538-2190. Chúng tôi sẽ gửi mẫu thông tin sơ khởi để quý vị điền vào và gửi lại.
Thông tin chi tiết về Chương Trình Đòi Tài Sản: https://doitaisan.vncrp.org
Bài liên quan:
Chương trình đòi tài sản: Bắt đầu giai đoạn 2 với những tiến triển đáng kể
http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1330-2018-05-02-20-56-28.html
Đòi Tài Sản: Hoàn tất Giai Đoạn 1
http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1322-2018-04-11-22-28-44.html