-
Vấn đề đòi bồi thường tài sản được đưa vào dự luật ở Hạ Viện Hoa Kỳ
-
Đang tìm thêm 3 loại hồ sơ
Mạch Sống, ngày 2 tháng 5, 2018
Đúng 11 tháng từ ngày khởi xướng, Chương Trình Đòi Bồi Thường Tài Sản đã bắt đầu giai đoạn 2, là giai đoạn vận động chính quyền Hoa Kỳ mở chương trình can thiệp cho Người Mỹ Gốc Việt đã bị chính quyền Việt Nam cướp đoạt tài sản. Giai đoạn 1 là giai đoạn nghiên cứu và biên soạn tài liệu để dùng cho vận động, đã hoàn tất vào tháng trước.
Mở đầu cho giai đoạn 2 là một thành quả lớn vừa đạt được qua cuộc vận động trong những tháng qua của BPSOS: dự thảo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam, được đưa vào Hạ Viện ngày 26 tháng 4 với số đăng bộ HR 5621, có hẳn một điều khoản về chính sách can thiệp đòi chính quyền Việt Nam bồi thường tài sản mà họ đã chiếm đoạt của công dân Hoa Kỳ.
“Điều khoản này còn đòi hỏi Bộ Ngoại Giao đưa vấn đề tài sản của công dân Hoa Kỳ vào nghị trình của các buổi đối thoại nhân quyền hàng năm giữa Hoa Kỳ và Việt Nam,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS,cho biết. “Bộ Ngoại Giao phải báo cáo cho Quốc Hội biết diễn tiến giải quyết các đơn đòi bồi thường tài sản của công dân Hoa Kỳ.”
Theo Ông, dự luật HR 5621 là một trợ lực quan trọng cho cuộc vận động của BPSOS từ giờ đến cuối năm để thuyết phục chính quyền Hoa Kỳ mở chương trình đòi bồi thường cho người Mỹ gốc Việt.
“Quốc Hội có thẩm quyền để mở chương trình đòi Việt Nam bồi thường, như họ đã từng làm cuối năm 1980,” Ts. Thắng giải thích.
Qua chương trình năm 1980 này, mà Việt Nam đã bị Hoa Kỳ ép phải bồi thường 203 triệu Mỹ kim cho 192 công dân Hoa Kỳ vào đầu năm 1995.
Tới đây, BPSOS sẽ thành lập các phái đoàn cử tri có tài sản bị chiếm đoạt ở Việt Nam để họ tiếp xúc và trình bày với các dân biểu và thượng nghị sĩ của họ ở từng thành phố, trong từng tiểu bang.
Cao điểm của cuộc vận động này sẽ là Ngày Vận Động Cho Việt Nam tại Quốc Hội do BPSOS tổ chức hàng năm với sự tham gia của nhiều trăm đồng hương đến từ 30 tiểu bang Hoa Kỳ, và một số quốc gia khác. Năm nay cuộc tổng vận động này sẽ được tổ chức vào ngày 10 tháng 7.
Theo Ts. Thắng cho biết, đến nay BPSOS đã nhận được tổng cộng 525 hồ sơ đòi tài sản. Cộng với số người đã liên lạc nhưng chưa gửi hồ sơ thì con số vượt quá 550.
Tổ chức BPSOS tiếp tục nhận mọi loại hồ sơ, và đặc biệt muốn có thêm 3 loại hồ sơ mà đến nay hãy còn ít:
(1) Các trường hợp đã phải ký giao nhà cho nhà nước quản lý khi lên đường định cư, và đặc biệt là đối với những người đi định cư sau ngày 28 tháng 1, 1995.
(2) Các trường hợp sở hữu cộng đồng bất động sản, và khi người đồng sở hữu ở Việt Nam bán nhà thì nhà nước đã giữ lại phần của người đồng sở hữu ở Hoa Kỳ.
(3) Các trường hợp có động sản ký thác ở ngân hàng như tiền mặt, quý kim, kim cương, công khố phiếu…
“Chúng tôi mong rằng những người nhận được bản tin này sẽ chuyển thông tin về Chương Trình Đòi Tài Sản đến những người thân quen,” Ts. Thắng kêu gọi. “Lượng hồ sơ càng nhiều, thì càng tăng triển vọng để chính quyền Hoa Kỳ mở chương trình can thiệp.”
Ts. Thắng cho biết về tài chính thì năm 2017, BPSOS đã chi ra US $71,498 và so với số tiền thu vào là US $45,725, nghĩa là đã thâm hụt US $25,773. Trong số thu năm 2017, có US $10,000 tiền ủng hộ của một mạnh thường quân vì thấy đây là một chương trình có ý nghĩa và tác động mạnh về nhân quyền.
Số tiền chi ra bao gồm chi phí cho 2 hãng luật với nhiều kinh nghiệm và thành tích đòi bồi thường tài sản cho công dân Hoa Kỳ đối với các quốc gia như Cuba, Iran… và một giáo sư luật và cũng là chuyên gia trong chương trình đòi bồi thường tài sản đối với Việt Nam năm 1980.
“Tôi kêu gọi những ai gửi hồ sơ hãy ủng hộ tài chính để BPSOS có ngân sách trang trải những chi phí cho từng giai đoạn của Chương Trình Đòi Tài Sản,” Ts. Thắng giải thích.
Theo Ông cho biết, BPSOS không thể dùng tiền đóng góp của đồng hương cho những chương trình khác như bảo vệ người tị nạn, giải cứu nạn nhân buôn người, can thiệp cho tù nhân lương tâm… để chi tiêu vào Chương Trình Đòi Tài Sản.
Để tìm hiểu thêm hoặc gửi hồ sơ, xin liên lạc: taisan@bpsos.org