Thông Báo của BPSOS về Chương Trình Đòi Tài Sản
Trong một số trường hợp, người ở Việt Nam và những nước khác cũng có thể tham gia
Ngày 30 tháng 1, 2018
Sau khi công bố Chương Trình Đòi Tài Sản vào tháng 8 năm ngoái, chúng tôi đã nhận được thắc mắc của người Việt ở Việt Nam, ở Pháp, ở Canada, ở Úc… là liệu những người không phải công dân Hoa Kỳ có thể tham gia hay không. Tiền lệ cho thấy, bất luận chủ nhân của tài sản đang ở đâu, có quốc tịch Hoa Kỳ hay không, đều có thể gián tiếp tham gia nếu như tài sản bị chiếm đoạt có phần vốn của công dân Hoa Kỳ.
Các trường hợp như vậy có lẽ không ít vì số hàng triệu người Việt ở Hoa Kỳ trong 4 thập niên qua đã gửi về Việt Nam nhiều chục tỉ Mỹ kim cho gia đình, thân nhân, bạn bè, đồng đạo… Một phần từ số tiền ấy có thể đã được người nhận dùng để mua nhà, tậu đất, mở doanh nghiệp, hay xây dựng cơ sở tôn giáo. Khi chế độ chiếm đoạt các tài sản này thì họ đã xâm phạm phần tài sản của công dân Hoa Kỳ trong đó. Và các công dân Hoa Kỳ này có quyền yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ can thiệp.
Những ví dụ điển hình
Dưới đây là một số kịch bản điển hình.
(a) Con trai lớn định cư trước tại Hoa Kỳ, đã là công dân, gửi tiền về cho cha mẹ ở Việt Nam mua nhà. Căn nhà ấy bị nhà nước quốc hữu hoá. Cha mẹ có thể vẫn còn ở Việt Nam, hoặc đã sang một quốc gia Âu Châu, hoặc đã đến Hoa Kỳ nhưng chưa kịp nhập tịch Hoa Kỳ khi nhà bị quốc hữu hoá. Người con trai, dù không có tên trong sổ đỏ, vẫn có thể đòi bồi thường trên số tiền đã gửi về cho cha mẹ để mua nhà.
(b) Một số đồng đạo là công dân Hoa Kỳ đã gửi tiền về để một chánh trị sự Cao Đài xây thánh thất. Nhà nước chiếm lấy thánh thất để giao cho nhóm Cao Đài quốc doanh. Dù vị chánh trị sự ấy đứng tên chủ quyền nhưng tiền vốn là của các công dân Hoa Kỳ; họ có quyền yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ can thiệp đòi bồi thường tài sản.
(c) Một nhóm bạn hữu ở Hoa Kỳ hùn vốn để mở doanh nghiệp ở Việt Nam, do người ở Việt Nam đứng tên. Chính quyền địa phương gây sự đóng cửa doanh nghiệp và tịch thu cơ sở và vốn liếng. Các công dân Hoa Kỳ hùn vốn có quyền yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ can thiệp đòi bồi thường tài sản.
Trong các trường hợp kể trên, công dân Hoa Kỳ có quyền đứng lên đòi bồi thường, nhưng cần có chứng từ xác minh là đã chuyển tiền về Việt Nam để góp phần cho tài sản mà nay đã bị chiếm đoạt.
Tiền lệ
Do chính quyền Hoa Kỳ can thiệp, năm 1995 Việt Nam đã phải bồi thường 203 triệu Mỹ kim cho 192 công dân Hoa Kỳ; họ là những người Mỹ sinh sống ở miền Nam trong thời gian chiến tranh và để lại tài sản khi về nước trong những ngày cuối tháng 4, 1975; chế độ cộng sản đã tịch thu các tài sản này của họ. Trong văn khố của Bộ Tư Pháp, chúng tôi thấy có những hồ sơ mà chồng Mỹ trả tiền mua nhà, nhưng vợ mang quốc tịch Việt lại là người đứng tên sở hữu. Việt Nam đã phải bồi thường cho họ.
Dựa trên tiền lệ này, chúng tôi sẽ vận động chính quyền Hoa Kỳ can thiệp cho các trường hợp mà tài sản đã bị chiếm đoạt có một phần vốn của người Mỹ gốc Việt, bất luận chủ nhân trên giấy tờ hiện ở đâu, có quốc tịch Hoa Kỳ hay không.
Diễn tiến cuộc vận động
Trước hết là vận động để mở chương trình chung cho mọi người Mỹ gốc Việt muốn đòi hỏi bồi thường. Khi chương trình chung đã được mở, lúc ấy từng hồ sơ riêng mới được cứu xét.
Chương trình có thể được mở bằng 2 cách: (1) văn thư hành chính của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ; (2) quyết định lập pháp của Quốc Hội. Cách thứ nhất đơn giản và nhanh chóng hơn. Đó là lý do chúng tôi đang soạn bộ hồ sơ tiêu biểu cho buổi họp sắp đến với Bộ Ngoại Giao.
Đến nay đã có gần 300 đồng hương ở trên 24 tiểu bang Hoa Kỳ tham gia Chương Trình Đòi Tài Sản do BPSOS đề xướng, bao gồm nhiều loại hồ sơ: tài sản ở miền Bắc của người di cư năm 1954; tài sản của người di tản ngày 30 tháng 4, 1975; tài sản của thuyền nhân vượt biển; tài sản của người đi định cư theo chương trình HO; tài sản của người đoàn tụ gia đình trong chương trình ODP; tài sản bị cưỡng chế theo diện “dân oan”… Cho mỗi loại hồ sơ chúng tôi chọn ra một vài trường hợp tiêu biểu và có đầy đủ chứng từ.
Nếu Bộ Ngoại Giao đồng ý mở chương trình, thì cuộc vận động hoàn tất. Nếu đến tháng 6 mà Bộ Ngoại Giao vẫn chưa đáp ứng thoả đáng, chúng tôi sẽ chuyển sang vận động Quốc Hội. Để chuẩn bị sẵn, từ đầu tháng 11 năm ngoái chúng tôi đã bắt đầu tổ chức nhiều phái đoàn địa phương gặp gỡ văn phòng địa phương của các vị dân cử thuộc lưỡng viện Quốc Hội. Như thế, khi cần thì đã có một số các vị dân cử sẵn sàng cùng nhau thúc đẩy Quốc Hội nhanh chóng hành động.
Mốc điểm 534
Mục tiêu của chúng tôi là sẽ đạt con số 534 người tham gia Chương Trình Đòi Tài Sản nội trong tháng 2. Năm 1980, Quốc Hội Hoa Kỳ đã mở chương trình đòi Việt Nam bồi thường tài sản cho 534 hồ sơ của công dân Hoa Kỳ. Nếu số hồ sơ mà chúng tôi nắm trong tay bằng hoặc vượt quá con số 534, Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ khó giải thích nếu không mở chương trình cho người Mỹ gốc Việt.
Để đạt mốc điểm này, chúng tôi thiết tha kêu gọi đồng hương ở Hoa Kỳ tiếp tay phổ biến thông tin về Chương Trình Đòi Tài Sản trong vòng thân hữu, trong nội bộ các hội đoàn, và tại các sinh hoạt cộng đồng nhất là tại các hội chợ Tết sắp đến.
Chúng tôi cũng kêu gọi đồng bào trong nước và ở các quốc gia khác chuyển đi thật rộng rãi các thông tin trong bản thông báo này.
Để nộp hồ sơ hoặc nếu có thắc mắc, xin liên lạc: taisan@bpsos.org. Những ai ở Hoa Kỳ cũng có thể gọi số điện thoại: 703-538-2190.
Xin chân thành cảm ơn.
Thông tin liên quan:
Trang mạng chuyên về Chương Trình Đòi Tài Sản: https://doitaisan.vncrp.org
Đòi Tài Sản: Lập phái đoàn gặp các Thượng Nghị Sĩ của MD và VA
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1297-2018-01-14-21-50-26.html
Đòi tài sản: đoàn cử tri gốc Việt gặp Phó Giám Đốc Tiểu Bang của tân TNS California
http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1296-2018-01-04-23-18-17.html
Tài liệu phổ biến Chương Trình Đòi Tài Sản: