Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Filter by Categories
Đơn mẫu- Forms
Giải đáp thắc mắc - FAQ
Thông báo - Press release permanent
Tin mới - News
Close

Đòi bồi thường tài sản, vì chúng tôi không là “kiều bào”

Vận động Hoa Kỳ: từ lương tâm đến bổn phận

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 24 tháng 12, 2017

http://machsongmedia.com

Trước khi công bố Chương Trình Đòi Tài Sản vào tháng 8 vừa qua, chúng tôi biết trước thế nào cũng sẽ có sự đánh phá. Lý do dễ hiểu: việc làm của chúng tôi đi ngược ý muốn của chế độ ở Việt Nam.

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc Hội Việt Nam thông qua nghị quyết quốc hữu hoá các tài sản của người Việt ở hải ngoại mà đến lúc ấy nhà nước đang quản lý. (Xem Nghị Quyết 23/2003/QH11: http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=20963). Nghị quyết này kết luận với lời hiệu triệu:

“Quốc hội kêu gọi đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích chung của toàn dân tộc, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội, coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước.”

Sao lại kêu gọi “kiều bào ta ở nước ngoài… thực hiện nghiêm chỉnh”? Chế độ cộng sản Việt Nam chủ trương chiếm đoạt tài sản của người Việt ở hải ngoại, đang là công dân của các quốc gia khác, và đinh ninh rằng đám “kiều bào” ấy sẽ chỉ biết cúi đầu và lặng lẽ tuân phục.

Chương Trình Đòi Tài Sản mà BPSOS phát động tháng 8 vừa qua là một thách thức lớn và trực tiếp đối với sự mong muốn của chế độ.

Lầm to

Xem người Việt ở hải ngoại là “kiều bào” và hành xử vô lối với họ là sai lầm lớn. Trong một bài viết trước đây, “Chúng tôi không là Việt kiều”, tôi giải thích về nhận thức sai lầm ấy. Xem: http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2815

Họ sai lầm vì không hiểu được rằng những người Việt ở hải ngoại không là thần dân của chế độ, mà đang là công dân của các quốc gia dân chủ, được luật pháp của các quốc gia ấy bảo vệ, nhất là quốc gia Hoa Kỳ mà chế độ đang ra sức cầu cạnh.

Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều biện pháp mạnh để bảo vệ tài sản của công dân khi bị xâm phạm bởi một chính quyền ngoại bang. Khi nghị quyết kể trên ra đời cuối năm 2003, hầu hết người Việt ở Hoa Kỳ có tài sản bị nhà nước quản lý ở Việt Nam đều đã là công dân Mỹ. Đó là những người Việt trước đây đã bỏ nước ra đi theo diện di tản, vượt biên, HO, HR, con lai, ROVR, đoàn tụ gia đình… Quyết định tịch thu các tài sản mà nhà nước đang quản lý, nghĩa là tạm thời giữ hộ, là trắng trợn chiếm đoạt hàng loạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.

Không những thế, cùng ngày 26 tháng 11, 2003, Quốc Hội Việt Nam còn thông qua Luật Đất với điều khoản cưỡng chế đất của dân. Từ đó đến nay nhiều vùng đất bị cưỡng chế có lẫn tài sản của công dân Hoa Kỳ và tình trạng này ngày càng lan rộng.

Tóm lại, trong cùng một ngày, Quốc Hội Việt Nam đã ra hai văn bản luật cùng mang tính cách xâm phạm lợi ích của công dân Hoa Kỳ. Tổng số hồ sơ công dân Mỹ bị ảnh hưởng có thể lên đến cả trăm nghìn. Nghĩa là, Việt Nam dẫn đầu, vượt xa mọi chế độ độc tài khác, trong việc chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.

Thời gian dài chuẩn bị

Từ năm 1997, chúng tôi bắt đầu theo dõi và nghiên cứu vấn đề tài sản ở Việt Nam của công dân Hoa Kỳ. Đó là năm tổ chức BPSOS chuyển từ bảo vệ thuyền nhân sang các lĩnh vực nhân quyền khác sau khi các trại tạm dung cho thuyền nhân ở Đông Nam Á và Hồng Kông đều đã đóng cửa. Quyền sở hữu tài sản là một nhân quyền, thuộc điều 17 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Khi Nghị Quyết 23/2003/QH11 vừa được ban hành chúng tôi đã có luật sư ở Việt Nam nghiên cứu nội dung. Khi việc thực thi nghị quyết vừa hoàn tất vào cuối tháng 6, 2009 thì tháng 9 năm sau, BPSOS báo động Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ (trực thuộc Toà Bạch Ốc), Bộ Ngoại Giao và nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ về tình trạng chính quyền Việt Nam đã xâm phạm tài sản công dân Hoa Kỳ. Tháng 9 năm 2012, chúng tôi phát động thỉnh nguyện thư trên trang mạng của Toà Bạch Ốc để công khai báo động Tổng Thống Hoa Kỳ về tình trạng này. Cùng lúc, chúng tôi thu thập hồ sơ đợt 1 để nghiên cứu và đối chiếu với luật Hoa Kỳ và với các chương trình đòi tài sản thành công của các nhóm dân Hoa Kỳ khác. Trong thời gian 2013-2016, chúng tôi liên lạc với nhiều chục vị dân cử liên bang, các giới chức Bộ Ngoại Giao và Toà Bạch Ốc để thăm dò phản ứng và lấy ý kiến. Thậm chí, chúng tôi đã đưa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra toà Liên Bang để lấy một số thông tin cần thiết.

Điều này cho thấy là việc chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ tương đối mới xảy ra và chúng tôi đã phản ứng ngay. Và điều này cũng cho thấy là chúng tôi đã thử nghiệm và chuẩn bị nhiều năm trước khi công bố Chương Trình Đòi Tài Sản vào tháng 8 năm nay.

Có phá cũng vô ích

Chế độ ở Việt Nam, nếu có luận cứ vững chắc, thì đã dễ dàng chứng minh rằng Chương Trình Đòi Tài Sản không có cơ sở, hoặc mớm lời cho dư luận viên làm thay. Nhưng họ bị kẹt vì chúng tôi nói có sách mách có chứng. Từ số hồ sơ thu thập trong những năm 2012 – 2016, chúng tôi lấy được chứng cứ rõ ràng là chủ nhân đã có quốc tịch Mỹ trước khi tài sản của họ bị quốc hữu hoá bởi chế độ ở Việt Nam.

Và chính chế độ ấy cũng đã xác nhận điều này qua lời hiệu triệu ở cuối Nghị Quyết 23/2003/QH11, chủ trương quốc hữu hoá tài sản của “kiều bào ta ở nước ngoài”, trong đó có công dân Hoa Kỳ, và kêu gọi nạn nhân “đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội, coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước.”

Nay chế độ giỏi lắm chỉ còn cách tung hoả mù để làm nản lòng người Việt ở Hoa Kỳ, với hy vọng họ sẽ không hưởng ứng Chương Trình Đòi Tài Sản và như vậy là thoát nạn. Nhưng không dễ dàng đâu. Ngày nào chúng tôi cũng nhận thêm hồ sơ đòi tài sản. Những người Mỹ gốc Việt nào đã ý thức rằng “chúng tôi không là Việt kiều” thì chắc chắn cũng biết dùng cương vị công dân Hoa Kỳ của mình để đối phó với hành vi chiếm đoạt tài sản. Các tiểu xảo vớ vẩn sẽ không thay đổi thực tế ấy.

Từ lương tâm đến bổn phận

Suốt chiều dài 38 năm hoạt động, BPSOS tập trung bảo vệ và vận động cho nhân quyền của đồng bào, và sẽ tiếp tục như vậy. Kinh nghiệm cho thấy mức độ hưởng ứng của mỗi giới chức chính quyền hay thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ tuỳ thuộc sự cân nhắc của họ về các lợi ích quốc gia khác nhau và quan tâm của họ về nhân quyền. Nói cách khác, kêu gọi nhân quyền là kêu gọi lương tâm cá nhân của họ.

Còn bảo vệ tài sản của công dân là bổn phận đương nhiên và hàng đầu của chính quyền Hoa Kỳ. Các giới chức chính phủ và các vị dân cử không thể nói không với việc bảo vệ tài sản của công dân. Do đó, trong Chương Trình Đòi Tài Sản, chúng tôi đặt vấn đề bổn phận với họ chứ không còn là kêu gọi lương tâm.

Sâu xa hơn, Chương Trình Đòi Tài Sản nới rộng cuộc tranh đấu nhân quyền bằng cách gắn liền quyền con người của đồng bào ở trong nước với quyền lợi sát sườn của công dân Hoa Kỳ. Qua Chương Trình Đòi Tài Sản, chúng tôi chứng minh rằng chính sách tập trung cải tạo, đánh “tư sản mại bản”, đuổi gia đình “nguỵ quân nguỵ quyền” đi kinh tế mới… trước đây và các hành vi đàn áp tôn giáo, trù dập các dân tộc bản địa, cướp đất của dân… hiện nay đều ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của công dân Hoa Kỳ mà chính quyền Hoa Kỳ phải bảo vệ và can thiệp. Những giới chức chính quyền và những dân cử Hoa Kỳ có thể trước đây không quan tâm đến nhân quyền thì nay vẫn phải lên tiếng và hành động vì bổn phận đối với công dân và cử tri.

Kết hợp vấn đề dân quyền của người Mỹ gốc Việt với vấn đề nhân quyền của đồng bào ở trong nước là kế sách mà chúng tôi đã nghiên cứu từ năm 1997.

Ý thức công dân

Trước đây, một số người Mỹ gốc Việt chưa thoát tâm lý “Việt kiều” nên đã về Việt Nam để chạy chọt “xin” lại nhà. Dĩ nhiên họ đã nhận các câu trả lời vô lối từ giới chức nhà nước dành cho thần dân là các “Việt kiều”.

Một số người ấy nay hiểu ra thế công dân Hoa Kỳ của mình và cách làm của chúng tôi là dùng luật Hoa Kỳ và mượn tay của chính quyền Hoa Kỳ. Thật thú vị, chính hồ sơ đi “xin” của họ trước đây lại trở thành hữu ích cho việc “đòi” bồi thường bây giờ vì trong đó có văn thư trả lời của nhà nước, ghi rõ ngày tịch thu tài sản và quyết định không trả lại tài sản đã chiếm đoạt. Nhờ vậy mà chúng tôi xác minh được thời điểm tịch thu so với ngày đương sự nhập tịch Hoa Kỳ. Đó là những chứng cứ không thể chối cãi làm nền tảng cho Chương Trình Đòi Tài Sản.

Đối với chúng tôi, Chương Trình Đòi Tài Sản còn là cơ hội để chuyển não trạng “Việt kiều” sang ý thức ngày càng sâu sắc về cương vị công dân Hoa Kỳ cho người Việt ở Mỹ. Miễn sao họ khẳng định cương vị ấy và dù tranh đấu cho lợi ích riêng thì vẫn góp phần vận dụng thế của cường quốc Hoa Kỳ để đẩy lùi sự chuyên chế và vô luật ở Việt Nam. Đó là sự kết hợp tuyệt diệu giữa dân quyền của từng công dân Hoa Kỳ với nhân quyền của trên 90 triệu đồng bào ở Việt Nam mà chúng tôi đã bỏ nhiều năm để chuẩn bị.

Kết luận

Chúng tôi kêu gọi mọi đồng bào ở Hoa Kỳ, nếu bị chiếm đoạt tài sản bởi chế độ cộng sản Việt Nam, hãy ý thức mình là công dân Hoa Kỳ và có quyền đòi hỏi chính quyền Hoa Kỳ bảo vệ lợi ích của chính mình và gia đình mình. Đừng để bị đối xử như là “kiều bào ta ở hải ngoại” bởi những kẻ đã chiếm đoạt chính tài sản của mình.

Và khi tham gia Chương Trình Đòi Tài Sản, dù chỉ vì lợi ích riêng của bản thân, quý vị vẫn tự động góp phần cho đại cuộc là đẩy lùi thái độ vô luật, vô lối của chế độ đối với 95 triệu đồng bào ở trong nước.

Để tham gia hay cần thông tin về Chương Trình Đòi Tài Sản, xin liên lạc: taisan@bpsos.org hoặc 703-538-2190.

Bài liên quan:

Chương trình đòi tài sản: Hỏi & Đáp

http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1286-2017-12-11-02-20-31.html

Hỏi & Đáp phần 2: người bị lấy nhà khi đi kinh tế mới hay giao nhà để đi ODP
http://www.machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1289-2017-12-16-13-28-56.html

Trang mạng của Chương Trình Đòi Tài Sản: https://doitaisan.vncrp.org