- Tổng lược kế hoạch thực hiện Chương Trình Đòi Tài Sản
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 30 tháng 9, 2017
Khi nắm quyền, người cộng sản suy nghĩ đơn giản rằng họ đối đãi cách nào thì dân cũng phải chịu. Vì lòng tham, họ cướp bóc tài sản của dân, của các tổ chức tôn giáo, của các cộng đồng bản địa, của các doanh gia ngoại quốc gốc Việt… Nay vì nhu cầu sinh tồn, họ phải bước vào sân chơi quốc tế, nơi mà các thể chế pháp quyền không chấp nhận cách hành xử “luật rừng”, nơi mà các nạn nhân năm xưa giờ đây lại nắm lá bài tẩy để bắt chế độ phải trả giá. Vụ Trịnh Vĩnh Bình đưa Việt Nam ra hội đồng trọng tài quốc tế để đòi bồi thường 1.25 tỉ Mỹ kim là một minh hoạ.
Người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ đang nắm trong tay nhiều chục nghìn, và có thể lên đến cả trăm nghìn, hồ sơ cưỡng đoạt tài sản. Mỗi hồ sơ đều có tiềm năng hơn hẳn so với trường hợp của Ông Trịnh Vĩnh Bình vì có sự bảo vệ của luật pháp và hệ thống chính trị Hoa Kỳ trong khi Ông Trịnh Vĩnh Bình phải đơn phương đối phó bằng con đường trọng tài.
Nói chung, người Mỹ gốc Việt có 3 con đường để đòi bồi thường tài sản hoàn toàn dựa vào luật và hệ thống chính trị Hoa Kỳ, nghĩa là bất chấp và không dính líu gì đến chính sách của nhà nước Việt Nam. Cả 3 con đường, tuy không đơn giản, đều đã có những tấm gương thành công ở những cộng đồng khác. Chúng tôi đã bắt đầu triển khai cả 3 con đường cùng lúc.
Tài sản cưỡng đoạt của công dân Hoa Kỳ và đang dùng cho mục tiêu thương mại (ảnh BPSOS)
Con đường rộng nhất: điều đình ngoài luật
Đe doạ chế tài kinh tế, mậu dịch, viện trợ, quốc phòng… chính quyền Hoa Kỳ có thể áp lực một chính quyền ngoại quốc chấp nhận điều đình trực tiếp với nạn nhân bị cướp tài sản. Đây là con đường mà cộng đồng tị nạn Nicaragua, dù dân số chỉ bằng 1/5 số người Việt ở Hoa Kỳ, đã thực hiện thành công. Trong suốt 20 năm kể từ 1995, chính quyền Nicaragua đã phải thương lượng với đại diện pháp lý của các nạn nhân, dưới sự giám sát của Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ, để bồi thường trên 1 tỉ Mỹ kim cho khoảng 15,000 hồ sơ. Có đến 2/3 số hồ sơ này không nằm trong phạm vi can thiệp của luật Hoa Kỳ nhưng đã hưởng lợi nhờ áp lực chính trị, kinh tế và ngoại giao của chính quyền Hoa Kỳ.
Chúng tôi xem con đường này là thượng sách vì có thể đưa bất kỳ hồ sơ nào lên bàn điều đình, kể cả những hồ sơ không hội đủ yếu tố để được giải quyết theo luật pháp Hoa Kỳ. Không những thế, chúng tôi còn có thể đưa một số điều kiện vào cuộc điều đình nhằm đẩy lùi nạn “dân oan” ở trong nước.
Chế độ ở Việt Nam sẽ chỉ ngồi vào bàn điều đình khi thấy rằng sự thiệt hai do không điều đình sẽ còn lớn hơn gấp bội. Mục tiêu của cuộc vận động của chúng tôi từ giờ đến cuối năm 2018 là đe doạ mọi nỗ lực phát triển mậu dịch, xin viện trợ từ Hoa Kỳ hay vay vốn của các định chế tài chính quốc tế. Hai con đường kế tiếp cũng sẽ tạo thêm áp lực, vì có tiềm năng gây thiệt hại nhiều hơn cho chế độ so với điều đình.
Con đường rộng vừa: phán quyết của Uỷ Hội FCSC
Viết tắt của Foreign Claims Settlement Commission, Uỷ Hội FCSC là cơ cấu chuyên giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ đối với các chính quyền ngoại quốc. Từ khi được thành lập năm 1954, Uỷ Hội này đã giải quyết 660,000 hồ sơ đòi bồi thường tài sản của công dân Hoa Kỳ nhắm vào 43 quốc gia. Điều kiện để Uỷ Hội FCSC cứu xét hồ sơ là chủ nhân đã là công dân Hoa Kỳ khi tài sản bị tịch thu.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, con đường này phù hợp cho khoảng 50% số hồ sơ của người Mỹ gốc Việt. Khi người Việt bỏ nước ra đi, hợp pháp hay bất hợp pháp, thì chế độ ở Việt Nam chỉ tạm quản lý, sử dụng nhà, đất để trống (vắng chủ), kể cả những tài sản để lại ở miền Bắc của những người di cư năm 1954. Mãi sau này chế độ mới có chính sách quốc hữu hoá qua hai đợt: năm 1991 và những năm 2005-2009. Lúc ấy, rất nhiều người Việt tị nạn và di dân đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Thành phần thứ hai gồm những công dân Hoa Kỳ có tài sản bị cưỡng chế chiếu theo Luật Đất Đai năm 2003 – Giáo Xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng là một trường hợp điển hình.
Con đường này có nhiều thuận lợi vì một khi Uỷ Hội FCSC mở chương trình can thiệp, họ dùng thể thức và công thức sẵn có và tiện lợi cho công dân Hoa Kỳ. Cách chứng minh quyền sở hữu tài sản cũng khá uyển chuyển và không đòi hỏi bằng khoán sở hữu. Chính quyền bị đòi bồi thường không có cơ hội để biện bạch, phân trần hay khiếu nại.
Để Uỷ Hội FCSC mở chương trình, chúng tôi đã bắt đầu vận động Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ. Cuộc vận động này được thực hiện chung với cuộc vận động cho con đường điều đình.
Con đường hẹp nhất: Kiện ra toà Hoa Kỳ
Đây là con đường phù hợp cho khoảng 20% số hồ sơ theo ước lượng của chúng tôi. Đó là những hồ sơ mà “khổ chủ” hiện là công dân Hoa Kỳ nhưng không nhất thiết đã nhập tịch khi tài sản bị cưỡng đoạt; điều kiện hạn chế là tài sản ấy phải hiện được sử dụng cho mục tiêu thương mại bởi một cơ quan chính quyền hay một doanh nghiệp nhà nước. Một ví dụ là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Lợi điểm lớn nhất của con đường này là chế độ ở Việt Nam sẽ không muốn bị đối chất trước toà án Hoa Kỳ về những hành vi đàn áp nhân quyền nghiệm trọng đi kèm với việc tịch thu tài sản, như tra tấn, bắt giam, bỏ tù, đuổi đi kinh tế mới, đánh chết người, xử bắn, giải toả trắng các cộng đồng tôn giáo, đập phá các biểu tượng linh thiêng của người theo đạo… Nếu tránh mặt không hầu toà thì đương nhiên thua kiện và triển vọng phải bồi thường gấp 3 trị giá tài sản đã cưỡng đoạt là rất cao.
Cách thực hiện
Từ tháng 6 năm nay chúng tôi đã thuê 2 hãng luật giàu kinh nghiệm và nhiều thành tích trong lĩnh vực đòi tài sản để hỗ trợ công cuộc vận động, và 1 hãng luật khác để thực hiện vụ kiện ra toà. Hiện nay, chúng tôi có sẵn khoảng 120 hồ sơ, và đã lọc ra 15 hồ sơ để dùng vận động, và 8 hồ cho vụ kiện. Đấy là những hồ sơ thuận lợi nhất vì có tình trạng rõ rệt và đầy đủ chứng từ. Số hồ sơ này đủ để chúng tôi triển khai kế hoạch, nhưng chưa đủ túc số để tạo áp lực. Muốn hiệu quả, chúng tôi sẽ cần khoảng 150 hồ sơ dùng cho vận động, và khoảng 50 hồ sơ cho các đơn kiện sẽ được thực hiện cùng lúc ở nhiều toà cấp tiểu bang và liên bang rải rác nhiều nơi trên Hoa Kỳ.
Muốn vậy, chúng tôi sẽ phải thu thập khoảng 2,000 hồ sơ, để từ đó lọc ra 200 hồ sơ như ý. Chúng tôi sẽ phải xử lý và chuẩn bị kỹ lưỡng số 200 hồ sơ này. Các hồ sơ còn lại thì chúng tôi sẽ thu thập đủ thông tin để thuyết phục từng vị dân biểu và thượng nghị sĩ rằng rất nhiều cử tri của họ bị xâm phạm tài sản và họ có trách nhiệm phải bảo vệ. Chúng tôi sẽ thông báo riêng với người nộp về cách phân loại hồ sơ của họ.
Chúng tôi kêu gọi đồng hương, dù có hay không có hồ sơ đòi tài sản, giúp chúng tôi phổ biến thông tin này thật rộng rãi đến những người quen.
Để nộp hồ sơ, xin liên lạc: taisan@bpsos.org
Các thông tin về Chương Trình Đòi Tài Sản được lưu giữ ở: https://doitaisan.vncrp.org
Bài liên quan:
BPSOS công bố chương trình công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1245-2017-08-30-22-18-18.html
Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Khai thác luật Hoa Kỳ
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1246-2017-08-31-04-16-57.html
Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Thế kẹt của chính quyền khi bị kiện
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1247-2017-09-01-17-16-30.html
Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Người ở trong nước có thể tiếp tay
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1248-2017-09-05-01-10-13.html
Công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản: thể thức phán quyết hành chính
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1250-2017-09-11-01-10-19.html
Đòi bồi thường tài sản: Khi nào chính quyền Hoa Kỳ can thiệp?
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1254-2017-09-19-16-01-56.html
Đòi chế độ cộng sản bồi thường tài sản: Con đường thứ ba là con đường rộng nhất
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1258-2017-09-26-03-28-19.html