- 2 cách tiếp tay: phổ biến thông tin và truy tìm hồ sơ
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 4 tháng 9, 2017
Chương trình Đòi Tài Sản của BPSOS có 2 mục tiêu:
(1) Đòi bồi thường tài sản mà chính quyền Việt Nam đã cưỡng đoạt của công dân Mỹ;
(2) Đẩy lùi nạn cưỡng chế đất đai đang gây nên thảm cảnh “dân oan” ở Việt Nam.
Mọi người Việt ở trong và ngoài nước đều có thể tiếp tay cho cả 2 mục tiêu trên bằng cách phổ biến rộng rãi thông tin về Chương Trình Đòi Tài Sản để nhiều người cùng biết và hiểu, và ngay trước mắt giúp chúng tôi truy tìm 3 loại hồ sơ sau đây.
Loại hồ sơ đòn bẩy
Con đường kiện một chính quyền ngoại quốc ra toà Hoa Kỳ có những ưu điểm nhưng cũng có một số điểm bất lợi: (1) vụ kiện có thể kéo dài cả chục năm; (2) tốn kém nhiều; (3) dù thắng kiện thì việc truy thu tiền bồi thường sẽ không đơn giản nếu chính quyền thua kiện không hợp tác. Một chiến lược thường dùng trong vấn đề kiện tụng là leo thang tiềm năng rủi ro thiệt hại cho đến khi đối phương chấp nhận giải quyết ngoài toà.
Để áp dụng chiến lược đó, chúng tôi cần sự tiếp tay của đồng bào trong và ngoài nước để truy tìm một loại hồ sơ đặc biệt: nhà, đất của công dân Hoa Kỳ bị cưỡng đoạt và hiện do một công ty Hoa Kỳ sử dụng. Chúng tôi sẽ kéo công ty ấy vào vụ kiện, và điều này sẽ đơn giản hoá vụ kiện rất nhiều vì công dân Hoa Kỳ kiện công ty Hoa Kỳ tại toà án Hoa Kỳ theo luật Hoa Kỳ. Tuy không lý tưởng bằng, một công ty không phải của Hoa Kỳ nhưng có cơ sở hoạt động ở Hoa Kỳ cũng có thể dùng được.
Căn bản pháp lý để kéo công ty ấy vào vụ kiện vì, khi công dân Hoa Kỳ là sở hữu chủ của bất động sản ở Việt Nam, có thể lập luận rằng lẽ ra công ty phải trả tiền thuê nhà cho họ, chứ không phải cho đối tác ở Việt Nam. Đối tác này có thể là một đơn vị chính quyền hoặc là tư nhân đang nắm quyền sở hữu sau nhiều đợt truyền tay tài sản bị chính quyền cưỡng đạt.
Trong suốt thời gian vụ kiện diễn tiến, nguyên đơn có thể yêu cầu toà án ra phán quyết tạm thời là công ty ấy không phải ngưng mọi hoạt động trong phạm vi tài sản đang tranh chấp và tạm thời nộp tiền thuê hàng tháng vào tín quỹ do toà kiểm soát. Điều này sẽ gây xáo trộn về hợp đồng thuê giữa công ty và đối tác ở Việt Nam. Nếu đó lại là một công ty tầm cỡ như Sheraton, Marriott, Intel, Nike, Samsung, McDonald, Starbucks, Bank of America, HSBC… thì sự xáo trộn đó sẽ tạo rúng động trong toàn thể cộng đồng các công ty và các nhà đầu tư Hoa Kỳ và quốc tế về rủi ro bị dính vào các vụ kiện vừa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, vừa tai hại đến uy tín. Khi ấy, có nhiều triển vọng chính họ sẽ áp lực chính quyền Việt Nam giải quyết vụ kiện chóng vánh ngoài toà, nghĩa là họ sẽ đóng vai trò đòn bẩy.
Trong số khoảng 100 hồ sơ chúng tôi đang có trong tay, có ít ra 1 trường hợp như trên, nhưng chưa vừa ý và chưa đủ. Chúng tôi cần khoảng chục trường hợp, và lẫn trong đó là những trường hợp liên quan đến các công ty tầm cỡ của Hoa Kỳ.
Các trường hợp như vậy chắc chắn là có, và có nhiều nữa là đằng khác. Trong những năm qua nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã chào mời các công ty Hoa Kỳ và quốc tế. Chẳng hạn, hãng Intel mở công xưởng ở Saigon Hi-tech Park (Quận 9, Sài Gòn), Nike ở Tân Bình, Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên… Đó là chưa kể hàng loạt các ngân hàng, khách sạn, quán ăn của Hoa Kỳ đã mở ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sàigòn, v.v.
Trở ngại hiện nay là phần lớn chủ nhân của các tài sản ấy cũng không biết là hiện nay nhà, đất của họ đang do ai sử dụng và cho việc gì. Và cũng có thể có người biết nhưng lại chưa nhận được thông tin về Chương Trình Đòi Tài Sản của BPSOS.
Để tăng xác suất tìm ra loại hồ sơ đặc biệt này, chúng tôi cần sự tiếp tay của người Việt ở trong nước. Rất có thể có người ở Việt Nam biết trường hợp của thân nhân hay láng giềng trước đây mà hiện giờ ở Mỹ và nhà, đất để lại đang do một công ty Hoa Kỳ sử dụng. Tuy không đến nỗi như mò kim đáy biển, việc truy tìm loại hồ sơ đặc biệt này cần thật nhiều tai, mắt ở khắp nơi.
Trích từ bộ hồ sơ 400 trang về quyền sở hữu đất từ năm 1939 của các gia đình thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu, trong đó có tài sản của công dân Hoa Kỳ đã bị chính quyền Đà Nẵng cưỡng đoạt
Loại hồ sơ tôn giáo
Nhiều cơ sở tôn giáo cũng rơi vào trường hợp là tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Qua tiếp xúc với nhiều cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam, tôi biết là một số chùa Phật Giáo, thánh thất Cao Đài, đạo tràng Phật Giáo Hoà Hảo, hội thánh Tin Lành… là do cá nhân cống hiến cho cộng đồng tôn giáo của họ sử dụng, nhưng cá nhân ấy vẫn đứng tên sở hữu. Trong số thí chủ này có những người nay đã là công dân Hoa Kỳ. Khi chính quyền địa phương, hoặc trực tiếp hoặc qua các tổ chức tôn giáo quốc doanh, cưỡng đoạt các cơ sở tôn giáo này thì có nghĩa là họ cưỡng đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Chẳng hạn, một ngôi chùa Phật Giáo ở Đồng Nai được một thí chủ hiến tặng 10 mẫu đất trước khi lên đường định cư ở Hoa Kỳ. Việc hiến tặng chỉ được viết bằng tay giữa 2 cá nhân, không có giá trị pháp lý. Sau đó, chính quyền bắt vị sư trụ trì đi tù và cưỡng chiếm mảnh đất 10 mẫu của chùa. Khi ra tù, vị sư được chính quyền địa phương cho một vuông đất nhỏ để dựng một cái am nhỏ. Còn 10 mẫu đất kia thì chính quyền nói là thuộc quốc phòng nên không trả lại. Vị sư cần liên lạc với vị thí chủ ở Hoa Kỳ, hay con cháu người ấy, và báo cho họ biết về Chương Trình Đòi Tài Sản.
Truy tìm các hồ sơ tương tự là việc mà chỉ các cộng đồng tôn giáo ở trong nước mới làm được. Các hồ sơ này có thể sẽ ảnh hưởng lan toả vì các chính quyền địa phương từ nay sẽ phải dè chừng trong ý định cưỡng chế các cơ sở tôn giáo độc lập do lợi bất cập hại.
Các trường hợp “mỏ neo”
Đây là những trường hợp giống như Giáo Xứ Cồn Dầu: Một mảnh đất nhỏ liên quan đến công dân Hoa Kỳ có thể bảo vệ cả vùng đất rộng đang bị đe doạ cưỡng chế, tương tự một mỏ neo nhỏ mà giữ vững cả chiếc tàu lớn.
Tháng 5 năm 2010, TP Đà Nẵng quyết cướp trắng Giáo Xứ Cồn Dầu. Họ huy động nhiều trăm công an, cảnh sát cơ động, dân phòng… bao vây giáo dân để cướp đất. Trên 100 người bị thương, 62 người bị bắt và tra tấn nhiều ngày, 7 người bị xử án tù, 1 người bị đánh chết và 150 người phải chạy sang Thái Lan lánh nạn. Văn phòng pháp lý của BPSOS ở Thái Lan lập tức bảo vệ số giáo dân chạy sang Thái Lan, đồng thời văn phòng trung ương của BPSOS ở vùng thủ đô Hoa Kỳ truy tìm hồ sơ mỏ neo.
Chúng tôi may mắn tìm được 1 trường hợp cựu giáo dân Cồn Dầu đã có quốc tịch Mỹ từ lâu và thừa kế tài sản ở Cồn Dầu sau khi cả cha lẫn mẹ qua đời. Chúng tôi dùng hồ sơ này để báo động Bộ Ngoại Giao và Toà Bạch Ốc về:
- Tu Chính Án Hickenlooper năm 1964 (22 USC 2370(e)): Theo đó, Tổng Thống Hoa Kỳ phải đình chỉ mọi viện trợ cho quốc gia nào chiếm đoạt tài sản của công dân Mỹ, và phủ quyết việc chính quyền ấy vay vốn của các định chế tài chính quốc tế;
- Luật Mậu Dịch năm 1974 (19 USC 2462(b)(2)): Theo đó, Tổng Thống Hoa Kỳ không được cấp quy chế Hệ Thống Thuế Ưu Đãi Tổng Quát (Generalized System of Preferences, hay GSP) cho quốc gia nào đã quốc hữu hoá, cưỡng đoạt hay tịch thu tài sản của công dân Hoa Kỳ.
Vì đang muốn phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, Hành Pháp Obama đã áp lưc chính quyền trung ương ở Việt Nam phải cản chặn chính sách cưỡng chế của TP Đà Nẵng. Sau đó, chúng tôi tìm ra thêm hơn chục hồ sơ nữa.
Những trường hợp như Cồn Dầu không ít, nhưng chính người ở các vùng đang bị nguy cơ cưỡng chế, kể cả ngoài Bắc và trong Nam, phải truy tìm.
Có một số trường hợp rất đặc biệt của người dân Tây Nguyên. Trước năm 1975 cơ quan USAID của Hoa Kỳ có chương trình mua đất để cấp lại cho các gia đình dân tộc Tây Nguyên. Trong số đó không ít đã định cư ở Hoa Kỳ và đã trở thành công dân Hoa Kỳ từ lâu. Bằng khoán sở hữu được lưu trữ trong văn khố của cơ quan USAID. Khi nhà nước di dời bao nhiêu bản làng Tây Nguyên cho dự án bauxite hay khi quân đội cướp đất của các gia đình Tây Nguyên để biến thành đồn điền cà phê thì đã xâm phạm tài sản của không ít công dân Hoa Kỳ. Chúng tôi mong rằng cộng đồng người Tây Nguyên ở Hoa Kỳ sẽ phối hợp với nhau để truy ra các trường hợp này và chịu khó vào văn khố của USAID để lục ra các bằng khoán chủ quyền.
Chỉ 1 hồ sơ mỏ neo có khả năng chặn đứng chính sách cưỡng chế trên một vùng đất rộng lớn. Hoặc nếu vùng đất ấy đã bị cưỡng đoạt, chủ hồ sơ có thể dùng luật pháp Hoa Kỳ để bắt chính quyền Việt Nam trả giá cho hành vi cưỡng đoạt.
Cũng như 2 loại hồ sơ ở trên, người dân tại mỗi địa phương có triển vọng cao hơn cả để tìm ra những hồ sơ thích hợp.
Chính quyền TP Đà Nẵng dùng bạo lực để cưỡng chế nhà, đất của giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu, ngày 04/05/2010
Tác dụng đẩy lùi chính sách cưỡng chế
Có người thắc mắc rằng, làm sao dùng luật pháp và hệ thống chính trị ở Hoa Kỳ để đẩy lùi nạn cưỡng chế đất đai đang gây nên thảm cảnh “dân oan” ở Việt Nam?
Đúng là không thể dùng luật Hoa Kỳ để can thiệp cho từng trường hợp người dân ở Việt Nam bị cưỡng chế nhà, đất. Luật Hoa Kỳ chỉ có thể bảo vệ lợi ích và tài sản của công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu khéo vận dụng luật pháp và hệ thống chính trị Hoa Kỳ, chúng ta có thể tạo hiệu ứng lan toả để làm giảm đi tình trạng cưỡng chế đất đai một cách bừa bãi và vô tội vạ ở Việt Nam.
Nhóm các hồ sơ mang yếu tố tôn giáo có thể làm cho các chính quyền địa phương từ nay phải cân nhắc trước khi cưỡng đoạt một cơ sở tôn giáo độc lập, để tránh đẩy chính quyền trung ương vào các vụ kiện tụng ở Hoa Kỳ. Hoặc các hồ sơ mỏ neo có thể chặn lại việc cưỡng chế cả một vùng đất lớn, giống như đã xảy ra tại Giáo Xứ Cồn Dầu. Quan trọng hơn, khi công ty Hoa Kỳ, hay công ty thuộc các quốc gia khác nhưng có hoạt động ở Hoa kỳ, bị kéo vào vụ kiện tranh chấp tài sản thì ảnh hưởng tâm lý có thể lan rộng đến tình hình đầu tư nói chung.
Trong mũi nhọn thứ 3, là con đường điều đình ngoài toà, chúng tôi sẽ tìm cách ngăn nạn cưỡng chế đất trên toàn quốc. Một trong những điều kiện tiên khởi cho cuộc điều đình có thể là chính quyền Việt Nam phải đình chỉ các lệnh cưỡng chế cho đến khi bảo đảm được rằng không một tài sản nào của công dân Hoa Kỳ bị vô tình xâm phạm. Và người ở trong nước có thể khai thác các bất cập về chính sách đối với tài sản của người Mỹ gốc Việt, mà chính quyền Việt Nam vẫn xem là công dân Việt Nam, và đối với tài sản của người Việt ở Việt Nam để tranh đấu cho hồ sơ cá biệt của mình.
Chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn về mũi nhọn thứ 3.
Ngay lúc này, chúng tôi kêu gọi đồng bào ở trong và ngoài nước giúp truy tìm 3 loại hồ sơ kể trên, và giúp phổ biến thật rộng rãi các thông tin về Chương Trình Đòi Tài Sản, được lưu trữ ở trang web: https://doitaisan.vncrp.org.
Nếu có câu hỏi hay có thông tin để chia sẻ, xin liên lạc: taisan@bpsos.org
Bài liên quan:
Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Thế kẹt của chính quyền khi bị kiện
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1247-2017-09-01-17-16-30.html
Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Khai thác luật Hoa Kỳ
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1246-2017-08-31-04-16-57.html
BPSOS công bố chương trình công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản
http://machsongmedia.com/vietnam/50-doi-tai-san/1245-2017-08-30-22-18-18.html