Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Filter by Categories
Đơn mẫu- Forms
Giải đáp thắc mắc - FAQ
Thông báo - Press release permanent
Tin mới - News
Close

Chương trình Đòi Tài Sản: Hỏi & Đáp

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 10 tháng 12, 2017

http://machsongmedia.com

Tháng 8 vừa qua, BPSOS công bố chương trình Công Dân Mỹ gốc Việt Đòi Tài Sản, gọi tắt là “Chương Trình Đòi Tài Sản”. Mục đích của chương trình này là vận động chính quyền Hoa Kỳ can thiệp để bắt chính quyền Việt Nam phải bồi thường cho các tài sản mà họ đã tịch thu của công dân Mỹ gốc Việt. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của đồng hương. Sau đây là câu trả lời chung cho những câu hỏi này.

Căn cứ nào để chính quyền Hoa Kỳ can thiệp?

Năm 1949 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật bảo vệ tài sản của công dân khi bị một quốc gia khác tịch thu mà không bồi thường một cách hiệu quả, nhanh chóng và công bằng. Năm 1954, Hành Pháp Hoa Kỳ thành lập Uỷ Hội chuyên giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ, gọi tắt là Uỷ Hội FCSC (viết tắt của “Foreign Claims Settlement Commission), đặt dưới Bộ Tư Pháp. Đến nay Uỷ Hội FCSC đã giải quyết trên 660,000 hồ sơ đòi bồi thường của công dân Hoa Kỳ, và quyết định là 43 quốc gia liên can phải trả tiền bồi thường lên đến nhiều chục tỉ Mỹ kim. Nhiều quốc gia tiếp tục bị Hoa Kỳ “đòi nợ” vì chưa trả hay chưa trả hết nợ.

Nhà chiếm đoạt của công dân Mỹ biến thành cơ sở doanh nghiệp bán vé máy bay (ảnh BPSOS)

Tiêu chuẩn nào để được Uỷ Hội FCSC can thiệp?

Uỷ Hội FCSC chỉ cứu xét những hồ sơ tài sản của công dân Mỹ bị chính quyền ngoại quốc tịch thu. Có 2 thành phần người Mỹ gốc Việt nằm trong tiêu chuẩn này.

Thành phần thứ nhất là những gia đình rời Việt Nam trong những năm 1975-1996 theo các diện di tản, vượt biên, HO, HR, con lai… Nhà, đất mà họ để lại được xem là “vắng chủ” do nhà nước quản lý. Quản lý nghĩa là tạm thời giữ hộ; trên nguyên tắc chủ nhân có quyền đòi lại. Ngày 26 tháng 11 năm 2003 Quốc Hội Việt Nam ban hành Nghị Quyết 23/2003/QH11, một mặt tuyên bố sẽ không giải quyết việc trả lại nhà, đất mà nhà nước đang quản lý và mặt kia ra lệnh quốc hữu hoá chúng.  Thời gian thực hiện thủ tục quốc hữu hoá kéo dài từ 10 tháng 10, 2005 đến 30 tháng 6, 2009. Vào thời điểm 2005, hầu hết những người Mỹ gốc Việt có tài sản “vắng chủ” ở Việt Nam đều đã nhập tịch Hoa Kỳ. Nói cách khác, năm 2003 Quốc Hội Việt Nam đã quyết định quốc hữu hoá hàng loạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.

Thực ra năm 1991, chính phủ Việt Nam ban hành Quyết Định số 297/QD-CP, tuyên bố là các nhà, đất mà nhà nước đang quản lý thì trở thành tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, quyết định này trái luật hiện hành là, tịch thu tài sản của công dân phải có lệnh của toà án.  Sự bất cập này làm cho việc thực hiện Quyết Định 297/QD-CP trở thành tuỳ tiện, và là lý do ra đời của Nghị Quyết 23/2003/QH11.

Chúng tôi ước lượng khoảng 100,000 trường hợp thuộc thành phần thứ nhất, với trị giá tài sản lên đến 100 tỉ Mỹ kim.

Nhà chiếm đoạt của công dân Mỹ thành cơ sở của Đảng Uỷ, Hội Đồng Nhân Dân, Uỷ Ban Nhân Dân, tại Sài Gòn (ảnh BPSOS)

Thành phần thứ hai gồm những tài sản bị cưỡng chế theo Luật Đất 13/2003/QH11, được Quốc Hội Việt Nam thông qua cùng ngày với Nghị Quyết 23/2003/QH11. Luật này hợp pháp hoá chính sách cưỡng chế đất của dân, làm lan rộng tình trạng “dân oan”. Trong số dân oan có cả những người Mỹ gốc Việt. Đó là những người khi bỏ nước ra đi đã để lại nhà, đất cho người thân sử dụng, nhưng vẫn giữ quyền sở hữu; cũng có những trường hợp người Mỹ gốc Việt thừa hưởng nhà, đất sau khi bố mẹ qua đời ở Việt Nam. Chỉ riêng trong vụ Thành Phố Đà Nẵng cưỡng chế đất ở Giáo Xứ Cồn Dầu năm 2010, có ít ra 12 trường hợp công dân Mỹ bị mất tài sản. Chúng tôi cũng phát hiện một số trường hợp tương tự trong những vụ cưỡng chế đất khác.

Tài sản để lại ở miền Bắc thì sao?

Cũng vậy, nhà, đất của những người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 cũng bị nhà nước tạm thời quản lý mãi cho đến khi bị quốc hữu hoá theo Nghị Quyết 23/2003/QH11. Họ ra đi một cách hợp pháp, dưới sự bảo hộ của quốc tế trên căn bản Hiệp Định Geneva. Trên nguyên tắc, 2 năm sau sẽ có tổng tuyển cử để thống nhất 2 miền; họ sẽ trở về quê quán và lấy lại nhà đất. Nhưng tổng tuyển cử đã không xảy ra và chiến tranh đã cản trở không cho họ hồi hương. Nhiều người Bắc di cư đã bỏ nước ra đi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và đến Hoa Kỳ định cư. Phần lớn các trường hợp này cũng có tài sản ở trong Nam. Họ đã trở thành công dân Hoa Kỳ trước khi tài sản ở ngoài Bắc và trong Nam bị quốc hữu hoá theo Nghị Quyết 23/2003/QH11.

Căn nhà của công dân Mỹ, được xem là di sản văn hoá, bị chính quyền Hà Nội chiếm đoạt 

Căn nhà cổ kính bị phá bỏ, thay vào đó là khách sạn cao cấp ở ngay trung tâm Hà Nội

Khi nào Uỷ Hội FCSC mở hồ sơ can thiệp?

Uỷ Hội FCSC không giải quyết hồ sơ đơn lẻ mà giải quyết cùng lúc nhóm hồ sơ liên quan đến một quốc gia, được mệnh danh là “Chương Trình Đòi Bồi Thường” (Claims Program), như là Chương Trình Đòi Bồi Thường Cuba, Chương Trình Đòi Bồi Thường China… Quốc Hội phải thông qua luật để mở một chương trình đòi bồi thường, kèm với ngân sách để Uỷ Hội FCSC thuê nhân viên cứu xét hồ sơ. Đó chính là điều mà chúng tôi đang vận động.

Thủ tục của Uỷ Hội FCSC

Như đã nói, đến nay Uỷ Hội FCSC đã giải quyết 660,000 hồ sơ thuộc 43 chương trình đòi bồi thường khác nhau. Khi một chương trình được mở, Uỷ Hội FCSC sẽ thông báo thời hạn nhận hồ sơ, thường là 1 đến 2 năm. Họ sẽ cứu xét từng hồ sơ và định mức bồi thường theo tiêu chuẩn của họ. Nếu không đồng ý với quyết định của Uỷ Hội FCSC, đương đơn có quyền khiếu nại hay bổ túc thông tin. Trong khi đó, chính quyền tịch thu tài sản của công dân Hoa Kỳ không có quyền biện bạch hay khiếu nại.

Sau khi hoàn tất việc cứu xét tất cả hồ sơ, Uỷ Hội FCSC báo cáo Quốc Hội và chuyển quyết định của mình cho Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố và tuyên bố đóng chương trình. Bộ Ngoại Giao có trách nhiệm “đòi nợ” cho công dân Hoa Kỳ, còn Bộ Ngân Khố thì lo “siết nợ”, nghĩa là truy tìm tài sản của quốc gia mắc nợ để tịch thu và bán đấu giá nhằm trả tiền cho công dân Hoa Kỳ, nếu có tình trạng quỵt nợ.

Cần các giấy tờ gì khi nộp hồ sơ?

Để vận động Quốc Hội mở Chương Trình Đòi Bồi Thường Việt Nam, chúng tôi lọc ra một số hồ sơ với đầy đủ giấy tờ và tính thuyết phục.

Tuy nhiên, khi một chương trình đã được mở, Uỷ Hội FCSC khá uyển chuyển về cách chứng minh quyền sở hữu tài sản. Tốt nhất là bằng khoán nhà, đất. Bằng không, họ chấp nhận chứng từ “cấp 2” như là giấy khai sinh, hôn thú, khai tử… có ghi địa chỉ nhà, đất; hoặc bản trích lục ở nhà thờ, nhà chùa, hội thánh… nếu làm lễ thành hôn hay ma chay theo thể thức tôn giáo. Nếu như không có cả các giấy tờ cấp 2 này, đương đơn có thể dùng chứng từ “cấp 3” như là hình chụp đám cưới, sinh nhật… tại nhà, đất của mình, và giấy xác nhận của hàng xóm hay những người ở vị trí làm chứng.

Nếu quý vị đang không có bất kỳ một chứng từ nào, chúng tôi sẽ nghiên cứu hồ sơ và hướng dẫn cách để tìm ra chứng từ.

Căn nhà của công dân Mỹ ở Bến Vân Đồn nay đã chuyển cho người khác sử dụng (ảnh BPSOS)

Đã từng có Chương Trình Đòi Bồi thường Việt Nam?

Đúng vậy, ngày 28 tháng 12 năm 1980 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật để mở chương trình giải quyết các đơn đòi bồi thường của công dân Mỹ đã bị tịch thu tài sản ở Việt Nam. Lúc ấy, Quốc Hội chỉ nghĩ đến những công dân Mỹ làm việc hay lập gia đình ở Việt Nam trước 30 tháng 4, 1975. Khi cuộc chiến tàn, họ về lại Hoa Kỳ và tài sản của họ ở Việt Nam bị chính quyền cộng sản tịch thu (chứ không phải quản lý) theo Quyết Định 111/1977/CP ban hành ngày 14 tháng 4, 1977.

Thời hạn để nộp đơn là 26 tháng 2 năm 1981 đến 25 tháng 2 năm 1983. Đúng 3 năm sau, 25 tháng 2 năm 1986, Uỷ Hội FCSC hoàn tất việc cứu xét đơn. Trong tổng số 534 hồ sơ mà họ nhận được, Uỷ Hội FCSC chấp nhận 192 hồ sơ là hợp lệ với số tiền bồi thường tổng cộng là $99,471,983.51, cộng với 6% lãi suất mỗi năm. Năm 1995, Việt Nam chấp nhận trả 208 triệu Mỹ kim (tính cả tiền lãi) là điều kiện để bang giao với Hoa Kỳ.

Làm sao để vận động Quốc Hội mở chương trình cho người Mỹ gốc Việt?

Không cách nào khác hơn là vận động sự ủng hộ của đa số dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang. Muốn thế, chúng tôi sẽ cần khoảng 2 nghìn hồ sơ ở 30 đến 40 tiểu bang khác nhau. Chúng tôi sẽ lập các phái đoàn để gặp các dân biểu và thượng nghị sĩ nhằm kêu gọi họ bảo vệ tài sản của cử tri. Mỗi phái đoàn đều sẽ có người với kiến thức chuyên môn đi cùng với những người bị chính quyền Việt Nam chiếm đoạt tài sản.

Chúng tôi đã bắt đầu cuộc vận động và sẽ bắt đầu đẩy mạnh vào đầu năm 2018.

Tài sản chiếm đoạt của công dân Mỹ nay được giao cho Công Ty Thương Mãi Tỉnh Cần Thơ

Thời gian là bao lâu?

Các người Mỹ bị tịch thu ở tài sản ở Việt Nam đã phải mất 16 năm. Sau khi chính phủ Việt Nam ra quyết định tịch thu tài sản của họ, họ phải mất 3 hơn năm để  thuyết phục Quốc Hội mở chương trình đòi bồi thường. Sau đó, Uỷ Hội FCSC phải mất hơn 5 năm để hoàn tất việc cứu xét hồ sơ. Rồi đến hơn 8 năm sau, chính quyền Việt Nam mới đồng ý trả nợ.

Có cách nào để rút ngắn thời gian?

Chúng ta có thể rút ngắn thời gian ở cả 3 công đoạn: vận động mở chương trình, cứu xét hồ sơ, và đòi nợ.

Chúng ta có thể rút ngắn giai đoạn vận động bằng cách tổ chức nhiều phái đoàn để gặp gỡ dân biểu và thượng nghị sĩ. Muốn thế, chúng tôi sẽ cần tổng cộng khoảng 2,000 hồ sơ nằm rải ở nhiều thành phố và tiểu bang. Bắt đầu tháng 1 năm 2018, chúng tôi sẽ tăng nỗ lực thu thập hồ sơ.

Nếu chương trình đòi bồi thường được mở ra, chúng ta có thể rút ngắn giai đoạn cứu xét hồ sơ bằng cách duyệt trước và chuẩn bị thật đầy đủ cho mỗi hồ sơ trước khi nộp cho Uỷ Hội FCSC.

Chúng ta có thể rút ngắn thời gian đòi nợ bằng cách vận dụng luật pháp Hoa Kỳ để trừng phạt quốc gia quỵt nợ. Tu Chính Án Helms (năm 1994) ấn định là phải cắt viện trợ cho quốc gia ấy và ngăn chặn các định chế tài chính quốc tế không cho quốc gia ấy vay vốn. Luật Mậu Dịch năm 1974 không cho phép Hoa Kỳ ưu đãi thuế quan đối với quốc gia ấy. Đó là chưa kể Bộ Ngân Khố có thể siết tài sản của quốc gia quỵt nợ.

Chúng tôi đã thuê 2 hãng luật nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ trong cả 3 công đoạn này.

Nhà chiếm đoạt của công dân Mỹ thành cơ sở của công ty quốc doanh Vietnam Airlines (ảnh BPSOS)

Có phải đóng lệ phí?

Từ tháng 6 năm 2017 chúng tôi đã dùng quỹ của tổ chức, tổng cộng trên 100 nghìn Mỹ kim, để thuê 2 hãng luật nhiều kinh nghiệm. Nếu vận động thành công Quốc Hội mở chương trình đòi bồi thường cho người Mỹ gốc Việt, hai hãng luật này sẽ soạn hồ sơ để nộp cho Uỷ Hội FCSC mà thân chủ không phải trả trước lệ phí. Họ này sẽ khấu trừ lệ phí và tính thù lao theo tỉ lệ phần trăm (%) từ số tiền được bồi thường.

BPSOS tính lệ phí cho việc dịch tài liệu tiếng Việt sang tiếng Anh, nếu người  nộp đơn không có sẵn bản tiếng Anh. Chúng tôi tính, thấp hơn giá thị trường, là 10 cents/chữ (tương đương khoảng US $65 cho mỗi trang chữ viết hoặc $30 cho mỗi trang bằng khoán). Chúng tôi cũng sẽ tính $100 cho việc biên soạn hồ sơ bằng tiếng Anh để nộp cho các dân biểu và thượng nghị sĩ. Ghi chú: Lệ phí này không áp dụng cho khoảng 30 hồ sơ tiên khởi mà thân chủ đã đồng ý đóng góp $1,000 cho mỗi hồ sơ. Đây là những hồ sơ chúng tôi ưu tiên dùng cho vận động trong thời gian thu thập thêm hồ sơ mới.

Một số người gửi hồ sơ cho biết rằng họ quyết tâm đòi tài sản là vì công lý chứ không cần số tiền bồi thường; họ đã ký giấy cống hiến toàn bộ số tiền bồi thường, nếu lấy được, cho các công tác nghĩa hiệp của BPSOS. Chúng tôi hoàn toàn không tình lệ phí đối với các hồ sơ này. Ngược lại, chúng tôi sẽ tặng lại 10% số tiền bồi thường khi lấy được.

Triển vọng thành công là bao nhiêu?

Quan trọng nhất là vận động được Quốc Hội mở chương trình đòi bồi thường. Triển vọng thành công tuỳ thuộc phần lớn vào số hồ sơ chúng tôi có trên tay để chứng minh với các nhà làm luật rằng cử tri của họ bị ảnh hưởng. Càng nhiều hồ sơ thì tính thuyết phục càng cao, và chúng tôi càng vươn đến được nhiều thành viên Quốc Hội.

Chúng tôi không thể bảo đảm kết quả nhưng chúng ta hãy nghĩ đến 660,000 hồ sơ liên quan đến 43 quốc gia đã được Uỷ Hội FCSC giải quyết. Người Mỹ gốc Việt không là trường hợp đầu tiên hay duy nhất. Người khác làm được thì chúng ta cũng làm được.

Trong tiếp xúc, chúng tôi gặp một số ít người hoàn toàn hoài nghi về triển vọng thành công. Chúng tôi xin họ ký giấy uỷ quyền đòi bồi thường và hiến tặng toàn bộ số tiền bồi thường cho BPSOS. Họ sẽ chẳng mất mát gì vì không hề kỳ vọng, nhưng lại giúp chúng tôi có thêm hồ sơ dùng để vận động Quốc Hội. Họ sẽ không phải làm gì nhưng biết đâu sẽ được hưởng 10% số tiền bồi thường.

Liệu Việt Nam có thể “làm khó” người đứng tên đòi bồi thường?

Một số người cho biết rằng khi họ về Việt Nam đòi lại tài sản thì được bảo rằng phải đóng thuế và trả tiền bảo trì cho nhà nước vì đã giữ hộ căn nhà trong mấy chục năm, tính ra vượt quá số tiền bồi thường. Những người này đành bỏ cuộc. Có người lại cho biết rằng, giới chức thẩm quyền ở Việt Nam đổ vấy rằng nhà của họ nay đã bán cho người khác rồi, hãy tìm chủ mới mà thương lượng. Những người này đã hành xử trong cương vị công dân Việt Nam, nép mình dưới luật Việt Nam để “xin” chính quyền Việt Nam xét trả lại nhà. Kết  quả không có gì là đáng ngạc nhiên.

Cách làm của chúng tôi hoàn toàn khác. Chúng tôi đứng trên cương vị công dân Hoa Kỳ để đòi chính quyền Hoa Kỳ can thiệp theo luật Hoa Kỳ. Chúng tôi chỉ làm việc với Quốc Hội, Toà Bạch Ốc, Uỷ Hội FCSC, Bộ Ngoại Giao, và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ mà không hề đếm xỉa đến chính quyền Việt Nam.

Căn nhà cổ ở Hà Nội chiếm đoạt của công dân Mỹ nay trở thành quán cà-phê

Chương trình đòi tài sản có giúp cho các nạn nhân ở các quốc gia khác không?

Thưa không. Luật Hoa Kỳ chỉ bảo vệ tài sản của công dân Hoa Kỳ. Các quốc gia khác có thể có luật tương tự mà chúng tôi không biết. Hy vọng là nỗ lực của chúng tôi ở Hoa Kỳ sẽ gợi ý cho các quốc gia này làm theo hoặc sẽ là cơ sở để cộng đồng người Việt ở các quốc gia này vận động chính quyền của mình.

Có phương cách nào cho người bị tịch thu tài sản khi chưa là công dân Hoa Kỳ?

Luật Hoa Kỳ cho phép những người chưa nhập tịch Hoa Kỳ khi tài sản bị tịch thu nhưng giờ đây đã là công dân Hoa Kỳ kiện chính quyền đã tịch thu tài sản của mình ra toà án Hoa Kỳ. Chúng tôi đã làm việc với một hãng luật để nghiên cứu một số hồ như vậy và chuẩn bị để sẵn sàng nộp đơn kiện. Tuy nhiên, chúng tôi đang dồn mọi nỗ lực để vận động Quốc Hội mở chương trình đòi bồi thường qua Uỷ Hội FCSC giải quyết. Sau đó, chúng tôi mới xúc tiến vụ kiện.

Chương trình đòi tài sản có giúp gì cho các “dân oan” ở Việt Nam?

Tuỳ. Như đã trình bày, nhiều vùng đất ở Việt Nam có lẫn tài sản của công dân Hoa Kỳ, như trường hợp Giáo Xứ Cồn Dầu. Khi cưỡng chế các khu đất ấy, chính quyền Việt Nam xâm phạm tài sản của công dân Hoa Kỳ. Trong các trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với các chủ nhân có quốc tịch Mỹ ấy để đẩy lùi chính sách cưỡng chế, như đã xảy ra đối với Giáo Xứ Cồn Dầu ở Thành Phố Đà Nẵng.

Cách nào để tiếp tay?

Mục tiêu của chúng tôi là đạt số 2,000 hồ sơ trong 6 tháng tới; hiện nay chúng tôi mới chỉ có khoảng 200 hồ sơ. Quý vị nào đã nộp hồ sơ và đã biết ít nhiều thể thức của chúng tôi, nay có thể tiếp tay bằng cách giải thích cho người quen và hướng dẫn họ cách chuyển thông tin cho chúng tôi.

Mọi người khác và giới truyền thông Việt ngữ có thể tiếp tay bằng cách giúp phổ biến bài viết này. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Có thể truy tìm thông tin ở đâu?

Chúng tôi lưu trữ các thông tin cập nhật về chương trình đòi tài sản tại: https://doitaisan.vncrp.org/

Nếu có thắc mắc hay muốn nộp hồ sơ, xin liên lạc bằng email: taisan@bpsos.org  hoặc số điện thoại: 703-538-2190.

Tài sản chiếm đoạt của công dân Mỹ nay là phòng khám bệnh của Thành Phố Đà Nẵng (ảnh BPSOS)


Đòi Tài Sản: người bị lấy nhà khi đi kinh tế mới hay giao nhà để đi ODP

Ngày 15 tháng 12, 2017

Ts. Nguyễn Đình Thắng

http://machsongmedia.com

Sau bài “Chương trình đòi tài sản: Hỏi & Đáp”, chúng tôi lại nhận thêm một số câu hỏi mà có lẽ là thắc mắc của rất nhiều người:

(1)    Làm sao để biết được nhà, đất của tôi bị quốc hữu hoá vào thời điểm nào?

(2)    Gia đình tôi bị ép đi kinh tế mới năm 1977; nhà nước lấy mất nhà. Lúc đó tôi chưa có quốc tịch Hoa Kỳ thì có được luật pháp Hoa Kỳ can thiệp?

(3)    Tôi bị ép phải ký giấy “hiến” nhà cho nhà nước thì mới được tham gia chương trình ra đi có trật tự. Bây giờ có đòi được không?

Chúng tôi xin trả lời chung dưới đây.

Thời điểm bị quốc hữu hoá

Muốn biết chính xác thì phải truy cứu lai lịch của từng bất động sản một. Điều này không dễ, nhưng vẫn có cách làm. Tuy nhiên, thời điểm chưa phải lúc để đổ công cho việc này. Việc quan trọng lúc này là vận động Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ý mở chương trình đòi tài sản cho người Mỹ gốc Việt. Một khi chương trình đã được mở, thì các hồ sơ cá nhân mới được cứu xét – lúc ấy mới cần chứng minh rằng tài sản bị tịch thu sau khi chủ nhân đã trở thành công dân Mỹ.

Dựa vào sự nghiên cứu của chúng tôi, đa số các tài sản để lại ở Việt Nam của công dân Mỹ gốc Việt chỉ mới bị quốc hữu hoá từ năm 2005 trở lại đây. Trước đó, nhà nước “quản lý” chúng. Theo lời giải thích của Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Nguyễn Hữu Thọ trong một văn thư đề ngày 14 tháng 11, 1989, quản lý “chỉ là một biện pháp tạm thời”. Trên nguyên tắc chủ nhân sau này có thể làm đơn đòi lại.

Khu chung cư của gia định người Mỹ gốc Việt ở California và New York bị nhà nước Việt Nam chiếm đoạt

Năm 1991, Chính Phủ Việt Nam ban hành Quyết Định 297/QĐ-CP với ý định quốc hữu hoá các nhà, đất mà nhà nước đang quản lý từ ngày 1 tháng 7, 1991 trở về trước. Tuy nhiên, việc thực hiện nó lại khá lỏng lẻo và tuỳ tiện do có sự mâu thuẫn với Luật Hình Sự lúc ấy.

Trước tình hình đó, ngày 26 tháng 11, năm 2003 Quốc Hội Việt Nam thông qua Nghị Quyết 23/2003/QH11, tuyên bố rằng từ nay “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.” Đồng thời, nghị quyết này chỉ thị uỷ ban nhân dân các cấp hoàn tất thủ tục quốc hữu hoá các tài sản mà họ đang quản lý. Thời gian thực hiện từ ngày 10 tháng 10, 2005 đến ngày 30 tháng 6, 2009, áp dụng cả cho các tài sản “vắng chủ” ở miền Bắc của các người di cư năm 1954, và tài sản của những người miền Nam bị nhà nước quản lý sau ngày 30 tháng 4, 1975.

Những người Việt ở Hoa Kỳ có tài sản đặt dưới sự quản lý của nhà nước phần lớn đã đến Hoa Kỳ trong khoảng 1975-1996 và đã có quốc tịch Mỹ trước khi Nghị Quyết 23/2003/QH11 ra đời. Nghị quyết này kêu gọi họ ủng hộ chính sách của chế độ: “Quốc hội kêu gọi đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích chung của toàn dân tộc, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội, coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước.”

Lời kêu gọi này không hợp lý vì không nạn nhân nào lại ủng hộ việc ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của chính mình.

Nhà ở Hóc Môn của một gia đình người Mỹ gốc Việt hiện ở Maryland

Bị lấy nhà và bắt đi kinh tế mới

Sau ngày 30 tháng 4, 1975, những thành phần bị liệt kê là  “nguỵ quân nguỵ quyền”, “ác ôn”, “phản cách mạng”… phải trình diện đi “cải tạo” còn gia đình họ thì bị đuổi đi kinh tế mới. Cán bộ hay cơ quan nhà nước đã lấy nhà cửa, đất đai của họ. Tài sản của họ bị quản lý theo Quyết Định Số 111/CP, ban hành ngày 14 tháng 4, 1977. Đây là quyết định về chính sách “quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất ở các tỉnh phía Nam”. Theo đó, nhà nước “quản lý” nhà cửa, đất đai của  (trích nguyên văn):

– Sĩ quan nguỵ quân cấp từ thiếu tá trở lên.

– Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung uý trở lên.

– Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của nguỵ quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.

– Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.

Ít lâu sau, Quyết Định Số 305/CP ngày 17 tháng 11, năm 1977 bổ sung 2 thành phần bị quản lý nhà cửa, đất đai (trích nguyên văn):

– Những người tham gia các tổ chức đảng phái phản động đã giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp huyện, quận trở lên thì tùy theo thái độ chính trị trước và hiện nay, tùy theo tội ác đối với nhân dân nhiều hay ít, và tùy theo nguồn gốc giá trị sử dụng nhà cửa đất đai của họ mà Nhà nước tịch thu, trưng thu, trưng dụng, trưng mua hoặc để cho họ sử dụng.

Đối với những người khác không thuộc diện Nhà nước xử lý nhà đất của họ nhưng vì thái độ chính trị của họ phản động, có nhiều nợ máu với nhân dân, quần chúng căm ghét, yêu cầu xử lý thì căn cứ vào chính sách chung mà quyết định.

Các tài sản trong trường hợp này, giống như nhà, đất “vắng chủ” của những người di cư, di tản hay vượt biên, bị quản lý chứ không bị tịch thu. Thời điểm tịch thu (quốc hữu hoá) giống như đã được giải thích ở trên.

Hiến nhà để được đi định cư Hoa Kỳ

Nhiều người cho chúng tôi biết là họ đã phải ký giấy “hiến” nhà cho nhà nước như là điều kiện để lên đường định cư Hoa Kỳ. Trường hợp này rất phổ biến trong chương trình HO, và cũng xảy ra trong những chương trình ra đi hợp pháp khác.

Thực ra, những người này đã “giao” nhà cho nhà nước tạm thời quản lý, chứ không phải là “hiến”. Giấy chứng nhận (xem ví dụ dưới đây) dùng ngôn ngữ mập mờ để tạo ngộ nhận cho chủ nhân rằng họ đã hiến nhà, đất và do đó sẽ không bao giờ nghĩ đến việc đòi lại.

Giấy chứng nhận giao nhà cho nhà nước tạm thời quản lý

Luật Việt Nam khi ấy không cho phép các đơn vị chính quyền nhận nhà, đất do công dân hiến tặng. Quyết Định của Thủ Tướng Chính Phủ 434/TTg, “chủ trương về việc tư nhân xin hiến tài sản cho Nhà Nước”, ngày 30 tháng 10, 1976 ghi rõ: “Đảng và Chính Phủ… không chủ trương nhận hiến một cách phổ biến, mà cần xét cụ thể từng trường hợp.” Các trường hợp được phép hiến tài sản phải là nhân sĩ trí thức, tư sản yêu nước,  tư sản có cổ phần trong xí nghiệp quốc doanh, tổ chức tôn giáo xin hiến cơ sở kinh doanh… Các thành phần “nguỵ quân nguỵ quyền”, “ác ôn”, “phản động”… không có quyền hiến tài sản.

Các tài sản được “giao” kiểu này cũng nằm trong diện nhà nước quản lý, mà thời điểm tịch thu đã được giải thích ở phần trên.

Tóm lại, những trường hợp bị đuổi nhà đi kinh tế mới và những trường hợp “giao” nhà để đi định cư cũng tương tự như trường hợp tài sản “vắng chủ” của những người di cư, di tản hay vượt biên: do nhà nước tạm thời quản lý. Đến năm 2003, Quốc Hội Việt Nam quyết định quốc hữu hoá chúng và không cho phép chủ nhân khiếu nại để đòi lại nữa.

Nhưng lúc ấy, phần lớn các chủ nhân nếu đang ở Hoa Kỳ thì đều đã là công dân Hoa kỳ. Tài sản của họ được luật Hoa Kỳ bảo vệ.